vĐồng tin tức tài chính 365

Sau Ba Lan và Bulgaria, nước châu Âu nào sẽ bị Nga khóa van?

2022-05-03 08:17

Phần Lan có thể bị Nga cắt nguồn cung khí đốt

Vào ngày 30/4 (theo giờ địa phương), tờ Helsingen Sanomat (Phần Lan) đưa tin, chính phủ Phần Lan và các công ty nước này đang chuẩn bị cho tình huống nguồn cung cấp khí đốt từ Nga có thể bị gián đoạn từ ngày 21/5 và nguy cơ gián đoạn nguồn cung đã được xác định là "có thật".

Hiện tại, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã yêu cầu công ty khí đốt tự nhiên quốc doanh Phần Lan Gasum trả lời về "điều khoản thanh toán bằng đồng rúp" trước ngày 20/5. Một nguồn tin khác của Liên minh châu Âu EU cho biết, nhiều nước EU khác cũng được thông báo về "thời hạn" tương tự.

Tuy nhiên, tờ Helsingen Sanomat nói rằng, cả Ủy ban châu Âu và chính phủ Phần Lan đều thể hiện thái độ không mặn mà trước yêu cầu của Nga, điều này có nghĩa là xuất khẩu khí đốt của Nga sang Phần Lan và phần lớn châu Âu có thể bị cắt vào ngày 21/5. Phần Lan phụ thuộc hơn 90% vào khí đốt của Nga, và 2/3 lượng khí đốt được sử dụng trong công nghiệp.

Giới chức Phần Lan ước tính, các cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên hiện tại không đủ để lấp đầy khoảng trống sau khi Gazprom cắt giảm nguồn cung và các ngành bị ảnh hưởng sẽ phải tìm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên hoặc giảm sản lượng.

Vào cuối tháng 3 năm nay, để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã ban hành quy định thanh toán bằng đồng rúp trong lĩnh vực năng lượng, yêu cầu các công ty từ "các nước không thân thiện" phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong một ngân hàng của Nga, và sau đó thanh toán thông qua tài khoản này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, nếu các nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và "bên mua sẽ phải chịu mọi hậu quả".

 Sau Ba Lan và Bulgaria, nước châu Âu nào sẽ bị Nga khóa van? - Ảnh 1.

Phần Lan phụ thuộc hơn 90% vào khí đốt của Nga. Ảnh: Shutterstock / pan demin

Tờ Helsingen Sanomat chỉ ra rằng việc đồng ý với yêu cầu thanh toán của Nga là điều kiện cần thiết để có được nguồn cung cấp liên tục của Gazprom. Tuần qua, Ba Lan và Bulgaria đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt sau một thời gian nhận thông báo hạn chót thanh khoản bằng đồng rúp.

Với Phần Lan, Bộ trưởng châu Âu Tytti Tuppurainen cho biết, nước này không được đồng ý với các yêu cầu thanh toán của Nga, đồng thời bà cáo buộc quy định thanh toán bằng đồng rúp là một phần địa chính trị của Nga.

Tình trạng nguồn cung khí đốt của Phần Lan

Theo tờ Helsingen Sanomat, dù từ chối chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp thì nguồn cung khí đốt tự nhiên của Phần Lan cũng sẽ không bị gián đoạn ngay lập tức, bởi một mặt, bản thân đường ống dẫn khí đốt là cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên ngắn hạn, mặt khác, Phần Lan cũng có các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên khác.

Theo ước tính, cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hiện tại của Phần Lan bao gồm các đường ống dẫn khí đốt thông qua Estonia và các thiết bị đầu cuối khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng nguồn cung của cả hai vẫn không đủ để lấp đầy chỗ trống sau khi Gazprom cắt giảm nguồn cung.

Vào tháng 12/2019, đường ống khí đốt biển Baltic giữa Phần Lan và Estonia đã được đưa vào hoạt động, có thể kết nối Phần Lan với các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Latvia và điểm cung ở Lithuania thông qua Estonia.

Tuy nhiên, khả năng cung cấp của đường ống dẫn khí đốt này thấp hơn đáng kể so với đường ống dẫn khí đốt Imatra nối với Nga. Vào năm 2021, 3/4 lượng khí đốt tự nhiên mà Phần Lan nhập khẩu được vận chuyển qua đường ống Imatra, chỉ 1/4 lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua đường ống biển Baltic.

Đối với cảng LNG ở Phần Lan, phải đến tháng 10 năm nay mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng nguồn cung khí tự nhiên từ kênh này không cao.

So với các nước Trung và Nam Âu, khí đốt tự nhiên chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu năng lượng của Phần Lan và có thể dễ dàng được thay thế bằng các loại nhiên liệu khác. Vào năm 2021, khí đốt tự nhiên chỉ chiếm khoảng 5% tổng tiêu thụ năng lượng của Phần Lan.

Nhưng trong lĩnh vực công nghiệp, các công ty sử dụng khí đốt tự nhiên làm nguyên liệu thô sẽ gặp khó khăn. 2/3 lượng khí đốt tự nhiên của Phần Lan được sử dụng trong công nghiệp, trong đó các công ty hóa chất của nước này sử dụng nhiều nhất. Đồng thời, sự phụ thuộc của Phần Lan vào khí đốt tự nhiên của Nga lên tới 90%.

Theo ước tính của chính phủ Phần Lan, nguồn cung cấp khí đốt công nghiệp có thể không được đảm bảo trong mọi trường hợp nếu các đường ống dẫn khí đốt từ Nga bị ngắt. Ngành công nghiệp sẽ tìm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên hoặc giảm sản lượng.

Một số công ty Phần Lan cũng đã chuẩn bị cho việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt. Công ty lọc dầu và kinh doanh dầu mỏ Neste, một trong những đối tượng sử dụng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Phần Lan, cho biết họ đã thử nghiệm sử dụng khí propan làm nguyên liệu thay vì khí đốt tự nhiên.

Lý do châu Âu và Phần Lan từ chối yêu cầu của Nga

Theo tờ Helsingen Sanomat, đối với quy định thanh toán bằng đồng rúp của Nga, về mặt kỹ thuật, khoản thanh toán sẽ yêu cầu bên mua khí đốt ở châu Âu phải mở hai tài khoản với ngân hàng Gazprombank, một bằng đồng euro và một bằng đồng rúp. Bên mua khí đốt có thể thanh toán hóa đơn khí đốt của họ bằng đồng euro theo cách cũ, và Gazprom thực hiện chuyển đổi tiền tệ và chuyển tiền vào tài khoản đồng rúp.

Vấn đề là theo thỏa thuận mới, chỉ sau khi tiền đến tài khoản bằng đồng rúp thì việc thanh toán của bên mua mới được coi là thành công. Ủy ban châu Âu EC tin rằng các khoản thanh toán bằng đồng euro của các công ty này được ngân hàng trung ương Nga giữ dưới dạng "khoản vay" trước khi được chuyển đổi thành đồng rúp, vi phạm lệnh trừng phạt của EU về cấm mọi giao dịch với ngân hàng trung ương Nga.

EU cho rằng, việc Nga không đặt ra bất kỳ giới hạn nào về thời hạn mà đồng euro được chuyển đổi thành đồng rúp nên thời gian ngân hàng trung ương Nga giữ các khoản thanh toán bằng đồng euro trở thành một rủi ro khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bulgaria từ chối chấp nhận quy định thanh toán bằng đồng rúp.

Theo báo cáo, đối với Phần Lan, Gazprom đã đưa ra một yêu cầu bổ sung: Các khoản thanh toán bằng đồng euro của Gasum không phải là tiền tệ do Gazprom quy đổi mà được chính công ty quy đổi thành đồng rúp và sau đó được chuyển vào tài khoản đồng rúp. Điều này sẽ dẫn đến việc Gasum phải thanh toán với Nga trực tiếp bằng đồng rúp, điều vốn đã sớm bị phương Tây từ chối.

https://soha.vn/sau-ba-lan-va-bulgaria-nuoc-chau-au-nao-se-bi-nga-khoa-van-20220502112800394.htm

Xem thêm: nhc.11355017030502202-nav-aohk-agn-ib-es-oan-ua-uahc-coun-airaglub-av-nal-ab-uas/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sau Ba Lan và Bulgaria, nước châu Âu nào sẽ bị Nga khóa van?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools