Hỗ trợ cho hoạt động mục tiêu của các chaebol thuộc lĩnh vực này là chiến lược "K-Battery" quốc gia của chính phủ Hàn Quốc. Tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in đã tiết lộ kế hoạch nhằm đưa Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất pin EV hàng đầu thế giới vào năm 2030. LG, Samsung và SK đã được ''lựa chọn" để bỏ vốn đầu tư tổng cộng 35 tỷ USD vào cơ sở vật chất và các hoạt động R&D, đổi lại các tập đoàn này sẽ được cắt giảm thuế lên tới 50% và các quyền lợi khác. LG Energy Solution cho biết họ sẽ đầu tư 21 tỷ USD.
Hoạt động thúc đẩy của chính phủ Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh xe điện đang trở thành trụ cột của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu và trở nên phổ biến với các chính phủ. Một dự thảo luật của EU sẽ cấm các loại xe mới, không sử dụng điện vào năm 2035 và Tổng thống Joe Biden muốn chính phủ Mỹ ngừng mua xe không chạy điện vào năm đó. Theo một báo cáo hồi tháng 1 từ Gartner, dự kiến sẽ có 6 triệu chiếc EV được xuất xưởng trên toàn thế giới trong năm nay và 36 triệu chiếc vào năm 2030.
Richard Kim, phó giám đốc chuỗi cung ứng và công nghệ ô tô tại S&P Global cho biết, sẽ rất khó để các công ty Hàn Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất pin EV so với các nhà sản xuất Trung Quốc, vốn từ lâu đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp tích cực và các hình thức hỗ trợ khác của chính phủ. . Ông nhận định, các chaebol có thể thúc đẩy sự hiệp lực trong nghiên cứu và phát triển. Kim nói: "[Các công ty Hàn Quốc] đã tích lũy được kiến thức về sản xuất các linh kiện pin. Họ có thể tự mình phát triển công nghệ và hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc, đó sẽ là vũ khí mạnh mẽ để họ phát triển".
Bất chấp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về tương lai của pin EV, đặc biệt là trong các ứng dụng mới. Cổ phiếu của Chunbo, công ty sản xuất các thành phần điện phân cho pin EV, đã tăng mạnh trong năm qua, giúp cho người sáng lập Lee Sang-ryul trở thành tỷ phú. Ông đã góp mặt trong danh sách những tỷ phú Hàn Quốc với giá trị tài sản ròng là 1,4 tỷ USD.
(Theo Forbes)