Xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một trong những chỉ số quan trọng được đánh giá khách quan và độc lập bởi các tổ chức quốc tế. Một quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm càng cao thì khả năng và sự sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ nợ càng tốt hơn. Từ 2013 đến nay, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn ở xu hướng tốt lên.
Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đánh giá Việt Nam có triển vọng "tích cực" sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam.
Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được chia thành 2 mức chính, là mức "đầu tư" với 4 hạng khác nhau, mức cao nhất là AAA, cao AA, cao trung bình A và trung bình BBB. Tiếp đến là mức "dưới đầu tư" mức gồm các hạng BB, B, CCC và mức "đầu cơ" gồm các hạng CC, C và D.
Từ 2013 đến nay, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn ở xu hướng tốt lên. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Với xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, lần đầu tiên vào ngày 12/6/2002, Fitch Ratings đã dành cho Việt Nam mức BB-, mức "đầu cơ" với triển vọng "tích cực".
Từ 2002 đến 2010, Việt Nam liên tục giữ mức BB- và bị hạ xuống hạng B- vào tháng 7/2010 với triển vọng "ổn định". Đến tháng 11/2014, Việt Nam đã quay trở lại hạng BB- với triển vọng "ổn định".
Tháng 5/2018, Fitch Ratings một lần nữa nâng mức xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam lên mức BB, triển vọng "ổn định".
Không chỉ Fitch Ratings, trong hơn 10 năm qua, 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm còn lại là Moody's và Standard & Poor's cũng đã lần lượt nâng hạng tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang được các tổ chức đánh giá ở mức BB+ và có triển vọng "tích cực". Nếu Việt Nam phấn đấu qua được BB+ để sang mức "đầu tư" BBB, đây là mức xếp hạng mà Việt Nam đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 sẽ đạt được.
Mặc dù mỗi tổ chức xếp hạng tín nhiệm có những phương pháp đánh giá, xếp hạng các quốc gia riêng, nhưng điểm chung là cả 3 tổ chức này đều đánh giá rất tích cực đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là các chỉ số về đánh giá năng lực trả nợ quốc tế cũng như mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Ngày 31/3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030". Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 đối với Moody's hoặc BBB- đối với S&P và Fitch trở lên.
Triển vọng nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Như vậy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều đánh giá cao sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam, cũng như những gì nền kinh tế Việt Nam đã và đang làm được để phục hồi bất chấp những ảnh hưởng do COVID-19 gây ra trên toàn cầu.
Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế kì vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm nay nhờ các chính sách kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, tốc độ tăng GDP cao và khả năng thu hút FDI.
"Việt Nam có cải cách mạnh trong thể chế, hành động của Chính phủ rất quyết liệt. Đầu tư về hạ tầng logistics của Việt Nam đang chuyển biến rất mạnh. Những yếu tố đó là cơ sở để các tổ chức thế giới dự báo chúng ta có thể tăng trưởng cao, đồng thời đạt được xếp hạng lên mức đầu tư. Đạt được chỉ số tín nhiệm quốc gia cao là điều kiện để kêu gọi các nhà đầu tư, để thu hút nguồn lực đầu tư giúp cho tăng trưởng kinh tế", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh.
"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc lên 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023. Vì vậy, Fitch Ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện hơn nữa tài chính công sẽ giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới", bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm Quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
"Việc nâng hạng mức tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng và chiến lược cho việc chúng ta có thể tiếp cận thị trường vốn, vay vốn với chi phí hợp lý, giá rẻ. HSBC dự đoán GDP của Việt Nam. trong năm 2022 là khoảng 6,5% và khoảng 6,5% cho những năm tới. Do đó chúng tôi khá là lạc quan trong việc Việt Nam. có thể đạt được hạn mức tín nhiệm đầu tư trong vài năm nữa hoặc là trước 2030", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, nhận định.
VTV.vn - Phát triển minh bạch, bền vững thị trường vốn sẽ là yếu tố giúp Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13384958030502202-cuc-hcit-man-teiv-aig-hnad-ued-meihn-nit-gnah-pex-cuhc-ot-3/et-hnik/nv.vtv