vĐồng tin tức tài chính 365

Nữ cảnh sát lừng danh nước Mỹ với tài cải trang

2022-05-03 12:02

Isabella Loghry sinh năm 1865 tại Greenwich Village, Manhattan, có ước mơ làm ca sĩ opera khi còn nhỏ. Bà kết hôn với cảnh sát John Goodwin ở tuổi 19. Sau 11 năm chung sống, người chồng qua đời. Goá phụ 30 tuổi với bốn đứa con cần nuôi dưỡng quyết định theo chân chồng làm việc cho Sở Cảnh sát New York (NYPD).

Việc sở cảnh sát tuyển vợ của các sĩ quan hy sinh không phải là chuyện lạ,nhưng Goodwin phải học và thi đỗ công chức. Tháng 5/1896, bà được bổ nhiệm làm cảnh sát phụ trách trông coi tù nhân nữ và trẻ em.

NYPD bắt đầu thuê nhân viên nữ để quản lý các tù nhân nữ và trẻ em vào 1881. Sau vụ tấn công một nữ tù nhân trẻ vào năm 1891, công việc của cảnh sát quản lý trại giam trở nên quan trọng hơn khi ủy viên hội đồng cảnh sát thành phố New York lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt - Tổng thống Mỹ sau này - mở rộng nhiệm vụ của họ với các nạn nhân là phụ nữ, tội phạm tình dục và các vụ án liên quan đến trẻ em.

Công việc này chỉ được trả 1.000 USD/năm và được nghỉ một ngày mỗi tháng. Goodwin làm việc này trong 15 năm và bắt đầu hoạt động bí mật để điều tra tội phạm, nhờ mẹ chăm sóc các con.

Isabella Goodwin có vẻ ngoài phúc hậu. Ảnh: NYTimes

Isabella Goodwin có vẻ ngoài phúc hậu. Ảnh: NYTimes

Khi còn là cảnh sát quản lý trại giam, Goodwin nổi danh đến với kỹ năng trinh thám. Một tờ báo đương thời mô tả bà có "khuôn mặt nhân hậu như một người mẹ, mái tóc đen, đôi mắt xám đầy cảm thông, vầng trán rộng thông minh. Toàn bộ phong thái của bà sẽ khiến người ta liên tưởng đến một phụ nữ đã có gia đình thuộc tầng lớp khá giả".

Chỉ cao khoảng 1,55 m, Goodwin sử dụng vẻ ngoài nhân hậu, dễ gây thiện cảm để giúp đội thám tử thực hiện các cuộc điều tra đặc biệt, đóng vai phụ nữ ngây thơ để vạch mặt các thầy bói, nhà chiêm tinh, pháp sư, thầy lang và bác sĩ lừa đảo.

Bà từng đóng vai một con bạc để giúp cảnh sát đột kích các điểm cá cược chỉ dành cho phụ nữ. Tổng cộng, bà đã thu được bằng chứng chống lại hơn 500 kẻ lừa đảo.

Cuộc sống của Goodwin thay đổi vào một buổi sáng tháng 2/1912. Một vụ cướp táo bạo xảy ra giữa ban ngày trên một con phố sầm uất ở trung tâm Khu Tài chính Manhattan.

Eddie Kinsman và đồng bọn chặn xe, cướp tiền, đánh tài xế và vệ sĩ bất tỉnh rồi tẩu thoát trên một chiếc xe không biển số đang chờ sẵn. Số tiền bị cướp là 25.000 USD - đủ để trả khoảng 30 khoản lương hàng năm ở thành phố New York hoặc mua 385 ôtô vào năm 1912, tương đương với 677.200 USD ngày nay.

Vụ cướp gây sốc cho thành phố và trở thành tin tức nóng trên toàn quốc khi bọn cướp lẩn tránh được các thám tử dày dạn kinh nghiệm. 60 thám tử được chỉ định phá án nhưng không ai giải quyết được vụ cướp, khiến NYPD bị chỉ trích.

Sau đó, cảnh sát nghe ngóng được hai người có thể biết nơi ở của Kinsman: bạn gái Swede Annie Hull và bạn cùng phòng, Myrtle Hoyt. Khi biết tin Kinsman đến thăm Hull tại một nhà trọ tồi tàn của thế giới ngầm, đội điều tra đã gọi Goodwin.

Goodwin nhìn thấy cơ hội và bước lên nấc thang đầu tiên. Bà mặc quần áo nhếch nhác, để tóc bù xù, nhận làm người hầu với giá 6 USD một tuần để tìm Hull, phải làm đủ mọi việc, sống dưới gầm cầu thang trong nhà trọ.

Mặc một bộ kimono cũ ở nhà khi làm việc, Goodwin quan sát những người ở trọ vào ban ngày, đến tối, bà uống cà phê đậm đặc để giữ tỉnh táo, đi lang thang trên các hành lang, đứng ngoài cửa, nghe ngóng qua lỗ khóa rồi lẻn ra ngoài vào lúc nửa đêm để báo cáo lại cho đội điều tra.

Qua một trong những lỗ khóa đó, bà nghe thấy Hull nhắc đến tên Kinsman với bạn cùng phòng.

Từ những năm làm việc ở trại giam, Goodwin biết rằng phụ nữ kém may mắn thường muốn được giãi bày tâm sự. Vì vậy, khi nhìn thấy Myrtle Hoyt đang nổi giận trong phòng vào một tuần sau đó, bà đã hỏi một câu đơn giản: "Có chuyện gì vậy?".

Hoyt kể cho Goodwin rằng Kinsman và Hull vừa đi mua sắm. Khi trở lại trong bộ quần áo mới sang trọng và vung tiền thoải mái, Hull nói với Hoyt rằng sẽ dọn ra ngoài sống cùng Kinsman trong một khách sạn ở trung tâm thành phố trước khi đến California.

Nhờ Goodwin, bốn thám tử đã chờ sẵn tại nhà ga Grand Central để bắt Kinsman khi hắn chuẩn bị mua hai vé về phía tây. Hắn bị buộc tội cướp với ý định giết người và cuối cùng bị kết án từ ba đến sáu năm tù.

Buổi sáng sau khi Kinsman bị bắt, Goodwin được gọi đến văn phòng ủy viên và được thăng lên cấp trung úy với mức lương 2.250 USD một năm. Bà trở thành nữ thám tử đầu tiên của NYPD. Tờ The Brooklyn Daily Eagle nhận định Goodwin là "nữ thám tử được biết đến nhiều nhất ở Mỹ".

Năm 1918, Sở Cảnh sát New York thành lập đội cảnh sát nữ đầu tiên gồm 6 thành viên. Họ được trả 1.200 USD một năm, được cấp còng tay, súng lục ổ quay nhưng không có đồng phục. Ba năm sau, Goodwin được chọn làm lãnh đạo Cục Phụ nữ mới của sở, một bộ phận gồm 26 nữ sĩ quan chịu trách nhiệm giám sát các vụ án liên quan đến gái mại dâm, người bỏ trốn, nạn nhân của bạo lực gia đình.

Năm 1921, Goodwin kết hôn với người chồng thứ hai kém 30 tuổi. Bà tiếp tục làm việc sau khi kết hôn - điều không phổ biến với phụ nữ thời đó.

Năm 1924, Goodwin làm việc với các công tố viên để điều tra hành vi gian lận trong y tế, giúp giải quyết một số vụ bắt giữ cấp cao trước khi nghỉ hưu vào cuối năm đó.

Khi nghỉ hưu, Goodwin đã có 30 năm gắn bó với NYPD, phục vụ và bảo vệ nhiều thế hệ người dân New York.

Goodwin từng nói phụ nữ có thể trở thành những thám tử mạnh mẽ nhờ khả năng "cảm nhận được những thứ mà thoạt đầu bạn không có bằng chứng thực tế" - hay nói cách khác là trực giác của phụ nữ. Bên cạnh đó, bà tự hào khi cho người khác thấy "những gì phụ nữ có thể làm khi có cơ hội".

Isabella Goodwin qua đời tháng 10/1943 ở tuổi 78. Bà được chôn cất tại nghĩa trang Green-Wood nổi tiếng ở Brooklyn, dưới tên Isabella Seaholm, theo họ người chồng thứ hai của bà.

Năm 2011, tác giả Elizabeth Mitchell ra mắt cuốn sách The Fearless Mrs. Goodwin dựa trên cuộc đời của Isabella Goodwin.

Trong bộ phim truyền hình The Alienist (2018), nhân vật Sara Howard của Dakota Fanning cũng dựa trên cuộc đời của Goodwin.

Tuệ Anh (Theo Wednesdayswomen)

Xem thêm: lmth.5958544-pouc-tab-gnart-iac-iat-iov-ym-coun-hnad-gnul-ut-maht-un/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nữ cảnh sát lừng danh nước Mỹ với tài cải trang”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools