Bệnh nhân đang quét mã QR để sử dụng ứng dụng công nghệ chỉ đường trong bệnh viện tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - Ảnh: THU HIẾN
Người bệnh sử dụng công nghệ thông tin, AI khi đi khám bệnh ra sao?
Nhanh, gọn, hiệu quả
Hơn 6h sáng, bà N.T.B. (46 tuổi, Bình Dương) chuẩn bị đồ đến bệnh viện khám bệnh. Khác với những lần trước bà phải ngồi chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm máu đúng lúc 10h, nhưng nay mới 9h30 bà đã nhận được tin nhắn SMS của bệnh viện (qua điện thoại báo) đã có kết quả xét nghiệm. Bà tiết kiệm được hơn nửa giờ đồng hồ chờ đợi.
Đây là lần đầu tiên bà B. được bệnh viện thông báo nhận kết quả xét nghiệm qua tin nhắn, một trong những ứng dụng đã triển khai tại một số các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Bà B. cho biết nếu như trước kia đi khám bệnh, khâu trả kết quả xét nghiệm rất mất thời gian, phải ngồi chờ đợi, canh đúng giờ bác sĩ đọc tên, xếp hàng mới lấy được. Thì giờ đây, với cách thức gửi tin nhắn, bà có thể tiết kiệm được thời gian để được về sớm nghỉ ngơi.
"Nhận kết quả sớm, tôi đỡ được rất nhiều thời gian, nhà xa có thể về sớm hơn để nghỉ ngơi, bớt vất vả", bà B. nói.
Tương tự, 5h sáng chị L.H. (37 tuổi, ngụ Hóc Môn) đã thức dậy sớm đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) khám dạ dày. Nỗi ám ảnh nhất mỗi khi chị H. đi bệnh viện là tìm đường, mỗi lần muốn dò đường đi chị phải hỏi nhiều người mới tới các khu vực trong bệnh viện được.
"Nhiều bệnh viện có thiết kế tòa nhà phức tạp, mỗi buổi sáng lượt thăm khám lại đông, tôi thấy nhiều nhân viên hướng dẫn phải nói liên tục. Nhiều người hỏi nên tôi phải chờ đợi họ hỏi xong mới hỏi, cứ đi được một đoạn lại tiếp tục hỏi tiếp", chị H. nói.
Nhưng giờ đây, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, chị chỉ cần quét mã QR ngay tại cổng vào, chị có thể nhìn thấy được toàn bộ các khu vực của bệnh viện, vị trí mình đang đứng, chỉ cần đến khu vực nội soi, xét nghiệm, căngtin... ứng dụng đều chỉ đường.
"Rất tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức. Người nhà tôi ở tỉnh lên thăm khám cũng bớt bỡ ngỡ. Mong bệnh viện sẽ có nhiều ứng dụng để hỗ trợ cho người bệnh như thế này", chị H. nói.
Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã ứng dụng hàng loạt công nghệ để giảm thủ tục chờ khám cho bệnh nhân như: Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với ứng dụng chụp X-quang có kết quả trong vòng 20 giây sau khi chụp, nhanh chóng thể hiện hình ảnh những khu vực tổn thương ban đầu (nếu có), giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc phim nhanh hơn, không bỏ sót tổn thương. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sử dụng AI để kiểm soát gây mê...
Bệnh nhân được tin nhắn thông báo đến lấy kết quả ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nhờ hệ thống công nghệ thông tin hiện đại - Ảnh: THU HIẾN
Lợi đôi đường
ThS.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - cho biết xuất phát từ thực tế lượng bệnh nhân thăm khám mỗi ngày đông, khoảng 2.000 lượt khám/ngày, các khu vực của bệnh viện lại bố trí rất rộng, phân bổ nhiều nơi do vậy bệnh nhân tìm đường rất khó khăn. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc giao tiếp trực tiếp sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Chính vì vậy, bệnh viện đã phát triển ứng dụng bản đồ chỉ đường cho người bệnh, chỉ cần quét mã QR là hiển thị mọi vị trí của bệnh viện, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
"Việc phát triển các ứng dụng này không khó, chi phí đầu tư không cao, tiện lợi cho người bệnh, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống WiFi miễn phí. Đối với việc trả kết quả xét nghiệm qua SMS, có thể đến tránh được tình trạng ùn ứ, bệnh nhân linh hoạt hơn, trong thời gian có thể tranh thủ nghỉ ngơi", BS Phước nói.
Theo BS Phước, trong tương lai bệnh viện đang phát triển công nghệ giúp người bệnh không cần đi đến lấy kết quả xét nghiệm mà chuyển thẳng các kết quả này đến phòng khám, bệnh viện còn đang triển khai bệnh án điện tử ngoại trú. Hiện tại tất cả bệnh nhân nhập viện bác sĩ đều đang làm bệnh án điện tử, bác sĩ có thể xem được kết quả luôn trên máy tính...
"Tất cả các phần mềm đều do đội ngũ công nghệ thông tin của bệnh viện viết, hoàn toàn do bệnh viện quản lý, có cài đặt hệ thống tường lửa để ngăn chặn xâm nhập, do đó vấn đề bảo mật thông tin của bệnh nhân hoàn toàn được đảm bảo", bác sĩ Phước nói.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt đầu triển khai giải pháp công nghệ thông tin y tế hoàn chỉnh gồm bộ giải pháp trí tuệ nhân tạo AI, hệ thống X-quang kỹ thuật số...
TS Lâm Việt Trung - phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì vậy, việc ứng dụng AI, khoa học công nghệ 4.0 vào phục vụ bệnh nhân là rất cần thiết.
Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là các ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát hài lòng người bệnh và trải nghiệm của người bệnh khi đến khám chữa bệnh. Có giải pháp phòng chống sự cố mất dữ liệu và thông tin bệnh viện, tổ chức diễn tập trong trường hợp mất dữ liệu do nhiều nguyên nhân như thiên tai, hỏa hoạn...
Đẩy mạnh y tế số
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho thấy hiện 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán BHYT đạt 99,5%. Hiện 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim, 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.
Từ trước dịch COVID-19, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số; công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau... nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người bệnh, giảm tải cho nhân viên y tế.
TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP mong muốn được thí điểm triển khai một số chính sách về trí tuệ nhân tạo (AI) để có chính sách về con người, cơ chế, để đầu tư vào những sản phẩm tiềm năng...
Xem thêm: mth.34605422230502202-ig-coud-nahn-hneb-neiv-hneb-oav-oat-nahn-eut-irt/nv.ertiout