Tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" - Ảnh: VGP
Sáng 4-5, tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham dự của các bộ ngành liên quan.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay hạ tầng hệ thống cao tốc tại vùng thủ đô, đặc biệt là đường vành đai 4 giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế, kết nối liên vùng, các cảng hàng không quốc tế. Hình thành nền đường trên cao đô thị, tạo ra quỹ đất với hàng ngàn hecta để động lực mới mang tầm bứt phá.
Tuy nhiên, nêu ra khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án, ông Tuấn cho hay dự án triển khai theo phương thức hỗn hợp đầu tư công và hợp tác công tư. Nguồn vốn cho dự án là 85.813 tỉ đồng, chia làm 3 dự án thành phần nhưng việc cân đối ngân sách là khó khăn, riêng 3 địa phương phải cân đối trên 28.000 tỉ đồng.
Đặc biệt khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng chiếm tới trên 50% khối lượng, bao gồm cả hành lang phát triển đường sắt, nên càng để chậm càng ảnh hưởng tiến độ. Vì vậy cần phải triển khai ngay trong năm 2022 - 2024 để các thành phần kế tiếp diễn ra sau đó vào năm 2022 - 2026, thì mới tạo ra động lực phát triển đô thị.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối cảng hàng không quốc tế, cảng biển, đường thủy, tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực từ Đông sang Tây, hệ thống cao tốc kết nối với nước bạn. Việc xây dựng hệ thống đường vành đai 3 cũng giúp tăng năng lực cạnh tranh về kinh tế.
Do đó với vai trò nhạc trưởng, từ tháng 11-2021, Chính phủ giao nhiệm vụ cho TP.HCM là cơ quan chủ trì dự án, thành phố đã phối hợp các tỉnh thành nghiên cứu các hình thức đầu tư và được Chính phủ chấp thuận phương thức triển khai theo đầu tư công. Trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đánh giá năng lực, tăng khả năng bố trí vốn với 50% từ địa phương...
Ông Lâm cho hay đến nay TP.HCM và các tỉnh đã có nghị quyết cam kết với Chính phủ là các tỉnh thành đảm bảo bố trí nguồn lực triển khai dự án. Trên cơ sở rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung đầu tư trọng tâm trọng điểm, ưu tiên đường vành đai 3, các địa phương sẽ thực hiện phát hành trái phiếu, vay Chính phủ...
Tuy nhiên khi có nguồn lực thì giải ngân là yêu cầu đặt ra nên ông Lâm cho biết TP.HCM đề xuất linh hoạt với ngân sách trung ương và địa phương, đảm bảo điều phối nguồn vốn hiệu quả, đáp ứng giải ngân theo tiến độ dự án.
Để tháo gỡ khó khăn về ngân sách, phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức cho hay các tuyến đường này nằm ở các địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương. Trong đó, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn có một phần chưa sử dụng nên sẽ báo cáo Quốc hội để bố trí vốn cho các dự án này.
Đồng thời cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện dự án, trên cơ sở đổi mới phân bổ ngân sách, cho cơ chế đặc thù. Hiện nay việc thu ngân sách ở trung ương và địa phương đều khả quan, ông Đức cho rằng khả năng bố trí vốn cho trung hạn sẽ khả thi và không phải suy nghĩ về khả năng cân đối.
Với các kiến nghị của địa phương, giao tăng phần cân đối địa phương, ông Đức cho rằng hiện nay đã có cơ chế giao kế hoạch ngân sách địa phương theo thực tế mà không làm ảnh hưởng bội chi, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương… nên sẽ giúp địa phương chủ động tăng nguồn thu để thực hiện dự án.
TTO - Tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia gồm vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM và 3 dự án đường cao tốc khác.