Jeffrey Wolberg, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Columbia, cho rằng, câu hỏi thích hợp không phải là chênh lệnh giàu nghèo ở Mỹ có tăng lên hay không mà liệu mức sống của mọi người có được cải thiện một cách toàn diện hay không. Và câu trả lời là có.
Theo Wolberg, những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống chung trên toàn thế giới. Điện thoại, máy tính và thương mại điện tử chính là những ví dụ như thế. Đằng sau mỗi công nghệ có tầm ảnh hưởng là những tỷ phú gắn liền với sự ra đời và phát triển của chúng.
"Chúng ta nên coi sự giàu có của họ chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trong tổng giá trị mà họ đã tạo ra. Lợi ích lớn nhất phần lớn nằm trong tay người dùng", Wolberg nêu quan điểm.
Nhìn lướt qua nhóm người Mỹ siêu giàu, có thể thấy phần lớn tiền mà họ kiếm được là xứng đáng. Đó là kỹ năng, sự chăm chỉ và năng động. Vào năm 2021, các báo cáo cho thấy hơn 70% trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ và 88% số triệu phú là tự thân.
"Chúng ta nên xem đó là đỉnh cao của giấc mơ Mỹ chứ không phải là đối tượng để ghét bỏ, chỉ trích", Wolberg nói.
Nathan Biller, sinh viên khoa Lịch sử và Khoa học Chính trị Đại học Colgate, cho rằng: "Những ông trùm thành công như Elon Musk chính là thành quả của văn hóa Mỹ chứ không phản ánh sự suy thoái của nó. Khả năng xây dựng và thành công một siêu đế chế vốn là một phần không thể tách rời của Giấc mơ Mỹ. Đây cũng chính là yếu tố hút người nhập cư khắp thế giới tới với quốc gia này".
Theo Biller, chính sự thu hút của Văn hóa Mỹ suốt nhiều thế hệ tạo ra một trong những xã hội cạnh tranh và sáng tạo nhất thế giới. Cả những công ty khổng lồ của các tỷ phú lẫn các cửa hàng nhỏ trên phố đều vận hành dưới ảnh hưởng của những điều này.
Mặc dù mức độ mà người Mỹ hiện thực hóa giấc mơ rất khác nhau nhưng xã hội cần phải cẩn trọng để không nhầm lẫn giữa việc đánh đồng người giàu có với những mức sống cơ bản. Nền kinh tế không có tổng bằng 0 và thương mại do đổi mới tạo ra giá trị trên tất cả các cấp bậc kinh tế - xã hội.
Không thể phủ nhận những tỷ phú này tạo ra hàng triệu việc làm. Công nghệ xanh, xe điện chạy pin mang tính cách mạng của Musk, thậm chí là cách du hàng vũ trụ đang được "bình dân hóa" giúp con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ vốn được coi là đặc quyền đặc lợi của một bộ phận người giàu có, quyền lực đang trở nên gần gũi hơn với mọi người khi có sự tham gia của các tỷ phú.
Trong quá khứ, có lẽ không ít người thấy khó chịu với sự giàu có của Henry Ford khi dây chuyền lắp ráp ô tô đầu tiên được đưa vào vận hành năm 1913. Tuy nhiên, khi nhìn lại, cả thế giới đều phải đồng thuận rằng sự giàu có đó là cái giá quá hời khi nhân loại không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc di chuyển bằng xe ngựa hay xe đạp.
"Không thể phủ nhận có nhiều tỷ phú sở hữu tính cách lập dị hay thậm chí là khiến những người đối diện với họ khó chịu, khiếp sợ hay một cảm xúc tiêu cực nào đó. Tuy nhiên, giống như cách nghệ thuật được thác khỏi người nghệ sĩ, người Mỹ nên ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ngay cả khi số đông không có thiện cảm với những người tạo ra động lực đó", Biller nói.
Andrew Swanson, chuyên gia khoa Kinh tế, Đại học Hamilton, nói rằng tâm lý ghét người giàu không phải điều gì đó quá mới mẻ, nhất là trong bối cảnh sự gia tăng của chủ nghĩa phân phối lại ở một số góc độ chính trị. Cũng là điều dễ hiểu khi sự giàu có của những người như Elon Musk bị coi là điều tồi tệ với phần còn lại của thế giới.
Có những ví dụ rất cụ thể cho điều này. Việc các tỷ phú mua lại các công ty truyền thông không có gì mới nhưng việc Elon Musk mua lại Twitter đã bị không ít người coi là thảm họa. Ngay cả tờ Washington Post cũng đã bị mua lại bở Jeff Bezos nhưng chính các nhà báo sở hữu "dấu tích xanh" của tờ báo này lại coi việc Musk mua lại Twitter là đáng kinh ngạc và nguy hiểm.
"Đất nước này đã phải đối mặt với thời kỳ bất bình đẳng kinh tế tồi tệ trong những năm 1920 và 1870. Các ông trùm thời đó như J.P. Morgan, Washington Duke và Leland Stanford đã để lại những dấu ấn lâu dài trong xã hội. Tên của họ nằm rải rác khắp các trường đại học, công ty và viện bảo tàng danh tiếng. Sự giàu có chẳng có gì mới, điều đặc biệt ở thời đại của chính ta là sự thúc giục của những người tiến bộ đã khiến các tỷ phú không còn muốn kiểm soát văn hóa", Swanson nói.
Thực tế rằng, mọi người đều có quyền lên tiếng về sự chênh lệch giàu nghèo đang ở mức vô cùng nghiêm trọng trong xã hội Mỹ ở thời điểm hiện tại. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu một số người tích được lượng tiền khổng lồ trong khi những người khác phải dành cả cuộc đời nhặt nhạnh từng đồng.
Tuy nhiên, Elon Musk hay nhiều tỷ phú khác có vẻ không như vậy. Họ có hàng trăm tỷ USD tài sản nhưng chúng không nằm trong các tài khoản ngân hàng. Chúng nằm trong các công ty đang sản xuất nhằm tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Thậm chí, sự giàu có của những người này cũng không thể ổn định mà phụ thuộc vào thị giá cổ phiếu trên thị trường. Có thể nói rằng, nhiều tỷ phú không giàu như cách bạn nghĩ.
Tham khảo: WSJ
https://cafef.vn/xung-quanh-tam-ly-ghet-nguoi-giau-tai-san-kech-xu-cua-cac-ty-phu-co-phai-dieu-toi-te-voi-phan-con-lai-cua-the-gioi-20220504095942163.chnTheo Linh Anh
Nhịp Sống Kinh tế