Khi Twitter đàm phán việc bán cho Elon Musk tháng trước, mạng xã hội này đưa ra một quy trình về thâu tóm. Tuy nhiên, người giàu nhất thế giới lại làm điều ngược lại. Ông chẳng có kế hoạch nào về tài chính hay cách quản trị Twitter, Musk cho biết với nhóm bạn thân thiết.
Để có 44 tỷ USD mua mạng xã hội này, ông cũng chỉ tìm đến người quen, trong đó có Jared Birchall – giám đốc quỹ đầu tư gia đình Musk và Alex Spiro – luật sư cá nhân của ông. Và khi Twitter từ chối đề nghị của ông, Musk gây sức ép bằng một loạt tweet.
Các tỷ phú công nghệ như Bill Gates, Jeff Bezos hay Larry Page thường lập kế hoạch dài hạn và quản lý các vấn đề của mình thông qua một hệ thống luật sư, chuyên gia truyền thông và cố vấn. Nhưng Musk thì không.
Khảo sát của New York Times với hơn 30 nhân viên cũ, mới, nhà đầu tư và những người từng làm việc với ông cho thấy tỷ phú hành động theo ý tưởng bất chợt, sở thích cá nhân và niềm tin rằng ông đúng 100%. Dù Musk đã chứng tỏ thành công trong lĩnh vực xe điện, vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, ông thường dựa gần như hoàn toàn vào ý định của mình và ý kiến của một nhóm nhỏ.
Để làm được điều này, Musk xây dựng một nhóm chỉ có 10 người đáng tin cậy, luôn đồng ý và thực hiện kế hoạch cùng ông. Đó là em trai Kimbal Musk, Birchall, Spiro và một số lãnh đạo khác. Để thực hiện các ý tưởng của mình, Musk liên tục lập công ty mới, chủ yếu cấu trúc theo cách ông có quyền kiểm soát. Các phó tướng đáng tin cậy của Musk cũng thường góp mặt trong nhiều công ty của ông.
Một khi Musk đã quyết định dự án chủ chốt của mỗi công ty, ông sẽ tiếp quản để đảm bảo tầm nhìn của mình được thực hiện. Ông kiểm soát từ những cái nhỏ nhất, khiến các kỹ sư tại Tesla và SpaceX vừa nể phục, vừa sợ hãi.
Musk hành động theo cách mà "chỉ các lãnh đạo tự tin nhất mới dám làm", Tim Draper – một nhà đầu tư mạo hiểm, người từng rót vốn vào Tesla và SpaceX nhận xét. Tại một diễn đàn năm 2018, Musk giải thích rằng ông hành động theo cách ngẫu hứng. Đây là bài học ông học được cách đây hơn 25 năm khi thành lập công ty đầu tiên có tên Zip2.
"Tôi thực sự không có kế hoạch kinh doanh đâu", ông nói, "Tôi từng lên kế hoạch khi sáng lập Zip2 rồi. Nhưng mọi thứ luôn đi chệch hướng. Thế nên sau đó tôi chẳng bận tâm làm kế hoạch nữa".
Tuần trước, CEO Twitter Parag Agrawal cũng nói với hơn 7.000 nhân viên của mạng xã hội này rằng sau khi Musk tiếp quản, "chúng ta cũng chẳng biết công ty sẽ đi theo hướng nào nữa".
Nắm quyền kiểm soát
Musk sinh ra tại Pretoria, Nam Phi và có hứng thú với máy tính từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Canada, ông chuyển đến Mỹ năm 1992, lấy bằng kinh tế và vật lý tại Đại học Pennsylvania, sau đó tham gia chương trình tiến sĩ vật lý tại Đại học Stanford.
Nhưng gần như ngay lập tức, Musk bỏ Stanford để theo đuổi nghiệp kinh doanh. Công ty đầu tiên của ông – Zip2 - thành lập năm 1995 cùng người em Kimbal. Zip2 sau đó được Compaq mua lại với giá hơn 300 triệu USD.
Năm 1999, Musk hỗ trợ sáng lập X.com, tiền thân của hãng dịch vụ thanh toán PayPal. Khi đó, ông bắt đầu công bố các quyết định về kinh doanh, kể cả khi nhân viên chưa được chuẩn bị.
Ví dụ, trong một chương trình truyền hình trực tiếp năm đó, Musk cho biết công ty sẽ đảm bảo cho tất cả giao dịch trong các phiên đấu giá trên eBay. Đó cũng là lần đầu tiên các kỹ sư của ông nghe về tính năng này. Họ đã phải "vắt chân lên cổ" để hiện thực hóa tính năng này.
Năm 2000, HĐQT X.com và Peter Thiel sa thải Musk vì bất đồng về hướng đi của công ty. Đây là sự ra đi đau đớn với Musk, khiến ông sau đó sớm nhận ra mình nên là người duy nhất chịu trách nhiệm các dự án về sau.
Khi gây dựng các doanh nghiệp mới, như thành lập SpaceX năm 2002 và đầu tư vào Tesla năm 2004, ông luôn đảm bảo mình có thể thực hiện các mong muốn tại mỗi công ty. Ông đã rót hơn 100 triệu USD tiền túi vào SpaceX trong những năm đầu và hiện nắm quyền kiểm soát công ty. Còn tại Tesla, Musk hiện sở hữu 16%. Ông cũng đưa vào HĐQT những gương mặt thân thiện, trong đó có em trai và Antonio Gracias – một nhà đầu tư và người bạn lâu năm của tỷ phú.
"Bỏ tất cả trứng vào một rổ cũng vẫn ổn, miễn là anh kiểm soát được điều gì xảy ra với cái rổ đó", ông cho biết trên tạp chí Inc năm 2007.
Hiện tại, Musk kiểm soát hoặc liên quan đến ít nhất 12 công ty, trong đó có cả công ty niêm yết và công ty tư nhân. Tài sản của Musk vào khoảng 250 tỷ USD.
Vòng tròn kín
Vì thành lập nhiều công ty, Musk thường tuyển những người có khả năng nỗ lực. Một trong số đó là Mary Beth Brown – người được tuyển năm 2002 để làm trợ lý cho Musk. Sau đó, bà chịu trách nhiệm cả mảng truyền thông, tài chính cho SpaceX và Tesla, cũng như giúp Musk quản lý đời sống cá nhân.
Cùng năm đó, Musk tuyển Gwynne Shotwell vào SpaceX. Shotwell là một trong những nhân viên gắn bó nhất với Musk. Trong một hội thảo năm 2018, bà cho biết: "Khi Elon nói gì đó, anh phải dừng lại và không được ngay lập tức nói ‘Việc đó là bất khả thi’ hay ‘Chẳng có cách nào làm được đâu. Tôi không biết’. Thay vào đó, anh phải nghĩ về nó và tìm cách hoàn thành".
Phong cách lãnh đạo hay thay đổi
Đến năm 2016, đế chế kinh doanh của Musk đang bùng nổ. Tuy nhiên, trong những thời điểm chịu sức ép lớn, tỷ phú thỉnh thoảng để lộ mặt trái trong phong cách quản trị.
Tháng 6/2016, Tesla đang giải quyết vụ tai nạn chết người của Joshua Brown – người đang sử dụng công nghệ Autopilot của Tesla khi đâm vào một chiếc xe khác trên cao tốc. Trong một cuộc gọi giữa Tesla và Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia, khi lãnh đạo cơ quan này đang giải thích rằng sẽ mở cuộc điều tra với Autopilot, Musk đã ngắt lời, hét lên trong điện thoại rằng sẽ kiện nếu việc điều tra được thực hiện. Hôm sau, Musk đã hạ giọng và việc điều tra được tiến hành bình thường.
Những quyết định mang tính cá nhân của Musk nhiều lần khiến các nhân viên khổ sở. Tháng 9/2016, ông bay đến Mexico, thông báo về kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của SpaceX. Nhưng cho đến khi ông bước lên sân khấu, các lãnh đạo dưới quyền cũng chẳng biết ông định nói gì.
Các kỹ sư tại Tesla cũng không khá hơn là bao. Năm 2016, họ bị sốc trước dòng tweet của Musk về phiên bản mới của hệ thống Autopilot sắp ra mắt. Năm 2017, họ lại bất ngờ với dòng tweet của ông chủ về việc phiên bản tiên tiến hơn có tên Full Self Driving sẽ ra mắt sau 6 tháng.
Năm biến động
2018 là năm đáng quên với Musk, khi phong cách ngẫu hứng khiến ông chịu thiệt hại lớn. Sau khi phải cải tổ mẫu Model 3, Musk cho biết ông đã quá mệt mỏi với việc phải lèo lái Tesla trước sức ép của công chúng. Tháng 8 năm đó, ông gửi mail cho HĐQT công ty với nội dung: "Sẽ đề nghị mua Tesla với giá 420 USD", nhưng chẳng có mấy chi tiết về cách thu xếp vốn.
Những người thân cận của Musk rất hào hứng, nhất là người em trai Kimbal. Vài ngày sau, ông thông báo lên Twitter: "Tôi đang cân nhắc mua Tesla với giá 420 USD một cổ phiếu. Nguồn tiền đã được đảm bảo".
Dù vậy, số tiền này chẳng bao giờ thành hiện thực. Cổ đông Tesla kiện ông vì lừa đảo chứng khoán. Một tháng sau, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kết tội Musk với tội danh này. Musk sau đó dàn xếp được với SEC và bị phạt 20 triệu USD.
"Phong cách làm ăn của Musk là hạn chế tối đa tài liệu", Deepak Ahuja – Giám đốc Tài chính của Tesla năm 2018 cho biết, "Ông ấy thực sự làm kinh doanh dựa trên cam kết bằng lời và bắt tay".
Vui vẻ một cách tối đa
Musk có sự yêu thích không thay đổi với Twitter. Mỗi ngày, Musk thường đăng cả chục dòng tweet, đủ nội dung, từ mỉa mai những kẻ bán khống cổ phiếu Tesla, chia sẻ suy nghĩ về đại dịch, chính trị đến Dogecoin.
Năm 2020, Musk giải thể bộ phận truyền thông của Tesla, một phần vì cảm thấy có thể trao đổi trực tiếp với người hâm mộ và khách hàng qua Twitter. Đây cũng là lý do Musk muốn mua mạng xã hội này. Ông đã tạo ra 3 công ty mới có tên X Holdings I, II và III, đều liên quan đến việc thu xếp tài chính cho giao dịch với Twitter.
Sau khi đạt thỏa thuận với Twitter tuần trước và ăn mừng bằng dòng tweet đầy biểu tượng trái tim và tên lửa, Musk xuất hiện tại Boca Texas để thảo luận về một động cơ tên lửa mới của SpaceX. Hai ngày sau đó, ông hào hứng viết: "Hãy biến Twitter thành nơi vui vẻ một cách tối đa".
Hà Thu (theo NYT)