Trong đơn khởi kiện gửi TAND TP HCM, bà Tăng, Việt kiều Mỹ, cho biết ngày 23/4/2018 đưa cho ông Khanh một chiếc nhẫn và đôi bông tai kim cương trị giá 37 tỷ đồng nhờ bán giúp. Việc giao nhận được hai bên lập thành biên bản có chữ ký và dấu vân tay. Ông Khanh được hưởng hoa hồng 15% số tiền bán được, thời hạn phải thanh toán là ngày 30/7/2018.
Bà Tăng cho rằng, quá thời hạn ba tháng vẫn chưa nhận được tiền bán kim cương, nên khởi kiện ông Khanh, yêu cầu trả số tiền 31 tỷ đồng (đã trừ hoa hồng) và lãi chậm trả đến ngày tòa ra bản án sơ thẩm.
Gửi tường trình cho tòa (trước khi vụ án được xét xử), ông Khanh cho biết chưa từng gặp và không biết bà Tăng. Ông cũng không nhận, hay ký vào bất cứ giấy biên nhận kim cương, với ai. Tài liệu duy nhất có dấu lăn tay mực đỏ của ông là hợp đồng mua bán hai căn biệt thự ký với Công - con trai bà Loan (bạn làm ăn của ông Khanh) vào tháng 12/2017.
Khi bị kiện, ông Khanh mới phát hiện bà Tăng và bà Loan có mối quan hệ với nhau. Trong đó, cả hai có cùng người đại diện theo ủy quyền. Theo ông, giấy biên nhận kim cương bà Tăng cung cấp cho toà là giả, nhằm mục đích cấu kết với người khác để chiếm đoạt tiền của mình. Việc này ông đã tố cáo đến cơ quan công an.
Bị đơn cho rằng các tờ giấy trong hợp đồng mua bán hai căn biệt thự đã bị đánh tráo để làm giả thành giấy biên nhận kim cương. Ông trình bày, ông và bà Loan là chỗ thân quen lâu năm, nhiều lần cho bà này vay hàng chục tỷ đồng để kinh doanh. Năm 2017, bà Loan đề nghị bán cho ông hai căn biệt thự của con trai để cấn trừ một phần nợ.
Ngày vợ chồng ông Khanh đến ký hợp đồng mua bán, bà Loan nói Công có việc nên sẽ đến trễ. Khi đọc xong hợp đồng do họ soạn sẵn, vợ chồng ông được bà Loan mời lên tầng trên để xem nội thất rồi xuống ký sau. Lúc trở xuống, ông thấy các tờ giấy được xếp chồng lên nhau, che đi phần nội dung phía trên nhưng vợ chồng ông chủ quan không đọc lại, cứ thế ký tên và lăn tay.
Theo đó, ông Khanh không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Tăng, đồng thời đưa ra yêu cầu phản tố, đề nghị tòa buộc nguyên đơn phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần, chi phí đi lại và thuê luật sư.
Không có mặt theo giấy triệu tập, bà Tăng chỉ gửi đơn trình bày đến tòa. Trong bản lời khai bà này cho biết, sau lần tình cờ gặp ông Khanh tại nhà hàng khách sạn Ocean Palace vào chiều 23/3/2018, bà đã tin tưởng và nhờ ông này bán giúp mình ba viên kim cương. Qua nhiều lần gặp mặt, đến ngày 23/4/2018, bà đã giao một chiếc nhẫn và đôi bông tai kim cương, làm giấy biên nhận với ông Khanh.
Hồi cuối tháng 4, sau nhiều lần hòa giải bất thành, TAND TP HCM mở phiên xử sơ thẩm. Bà Tăng tiếp tục vắng mặt, cử người đại diện tham gia phiên toà.
HĐXX đặt nhiều câu hỏi về hình dạng viên kim cương, tách rời hay đính vào nhẫn và bông tai, cách thức mang về Việt Nam, quy trình giao nhận kim cương với ông Khanh... Tuy nhiên, người đại diện của bà Tăng từ chối trả lời.
Phía ông Khanh giữ nguyên quan điểm, khẳng định chưa từng gặp bà Tăng. Theo bị đơn, lời khai của bà này không có thật, bởi bà Tăng nói đã gặp ông ở khách sạn hôm 23/3/2018, song thời điểm này ông đang có mặt tại một ngân hàng để làm thủ tục về các sổ tiết kiệm và rút tiền. Việc này đã được nhân viên ngân hàng xác nhận với tòa. Thứ hai, bà Tăng cho rằng đưa cho ông chiếc nhẫn và đôi bông tai, song trong biên nhận cung cấp cho toà chỉ thể hiện ba viên kim cương không gắn với nữ trang.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND TP HCM đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Tăng. Theo HĐXX, quá trình thụ lý đơn tố cáo của ông Khanh, Bộ Công an đã cho giám định "giấy biên nhận kim cương" và các tài liệu khác, kết quả là giấy biên nhận ba viên kim cương và hợp đồng mua bán hai căn biệt thự giữa ông Khanh và ông Công (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) có cùng kiểu chữ, cỡ chữ, khoảng cách các chữ... Phần nội dung tờ giấy biên nhận là "in đè, in thêm vào sau, trên các phần ngày tháng, chữ ký". Còn theo kết quả xác minh của hải quan sân bay, từ năm 2016 đến nay bà Tăng nhập cảnh vào Việt Nam ba lần nhưng đều không khai báo mang theo ba viên kim cương.
Ngoài ra, bà Tăng cũng không cung cấp được cho toà bản chính, bản photo giấy chứng nhận kim cương - GIA, hay "giấy khai sinh" của tài sản này.
HĐXX cho rằng, bà Tăng có nhiều lời khai mâu thuẫn và không cung cấp được bất cứ hình ảnh nào về những viên kim cương. Do đó, sự tồn tại của ba viên kim cương là "không có thật, không có việc giao nhận kim cương".
"Việc nguyên đơn khai rằng tin tưởng, giao cho ông Khanh tự định giá và bán ba viên kim cương có giá trị rất lớn mà không có người làm chứng, không lập biên bản giao nhận, dù không quen biết ông Khanh trước đó và chỉ vô tình gặp một lần trong nhà hàng, là không thuyết phục", bản án nêu.
Đối với yêu cầu phản tố của ông Khanh, HĐXX cũng không chấp nhận vì "bị đơn cũng có lỗi khi ký các hợp đồng mà không kiểm tra, xác minh kỹ thông tin".
Về việc ông này cho rằng phía nguyên đơn dựng chuyện nhằm chiếm đoạt tài sản của mình, toà cho biết Bộ Công an đã có văn bản trả lời "không đủ cơ sở để xử lý hành vi lừa đảo" vì trên thực tế tài sản chưa bị chiếm đoạt.
Hương Thảo
*Tên đương sự đã được thay đổi.
Xem thêm: lmth.0908544-gnouc-mik-neiv-ab-neik-uv-gnort-gnouht-tab/ten.sserpxenv