Hóa đơn của một khách mua hàng mang theo túi đựng được giảm 2% tại Xanh Xanh shop (Hội An) - Ảnh: C.PHÔ
Người mua cũng cảm thấy vui vẻ, hài lòng khi nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi nilông của mình được ghi nhận.
Người bán chịu thiệt một chút
Tôi là khách hàng thân thiết của Lại Đây Refill Station (ra đời năm 2018). Trước khi nảy ra ý định kinh doanh "làm đầy bằng cách mang chai, đồ đựng đến mua sản phẩm tận nơi" (mô hình đầu tiên tại Việt Nam), người sáng lập Lại Đây và cộng sự của mình đã bắt đầu hành trình bằng những việc làm rất nhỏ nhưng được duy trì thường xuyên như mang theo cơm hộp, bình nước cá nhân, sử dụng túi vải... Lối sống này đã và vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nhiều năm nay, thương hiệu này đã nỗ lực tìm tòi, lắng nghe, học hỏi để có thể giảm lượng rác thải trong việc bán hàng tại cửa hàng và giao hàng mỗi ngày.
Họ còn chung tay hạn chế rác thải từ việc mua sắm bằng quy định giảm 2% trên tổng hóa đơn nếu khách hàng mang theo túi, giỏ. Cách làm của Lại Đây hẳn đã được lòng nhiều người, bởi nó cho thấy doanh nghiệp không "đá" bài toán sống xanh sang người tiêu dùng mà quên đi trách nhiệm của mình. Họ công bố thông tin này rộng rãi và cũng thường nhắc nhở và hỏi khách hàng trước khi thanh toán.
Tương tự như thế, Xanh Xanh shop (Hội An, Quảng Nam) từ năm 2017 đã có chính sách tích lũy điểm và chiết khấu trên tổng hóa đơn cho khách hàng thân thiết và sử dụng túi đựng cá nhân. Chị chủ cửa hàng cho biết trước khi có chính sách giảm 2%, chị đã có những người khách luôn mang theo túi xách khi mua hàng. Xanh Xanh đã khuyến khích được nhiều khách hàng mới chung tay giảm túi nilông.
Tuy rằng Xanh Xanh shop chưa thể kinh doanh theo mô hình không bao bì nhựa nhưng nỗ lực này đã đáng ghi nhận. Mỗi một người mua, mỗi một gia đình bớt một chiếc túi nilông cỡ lớn một ngày trên cả nước thôi đã giúp hạn chế được một lượng rác thải nhựa đáng kể rồi.
Giảm 2% trên tổng hóa đơn nếu khách hàng mang theo túi, giỏ. Cách làm này cho thấy doanh nghiệp không "đá" bài toán sống xanh sang người tiêu dùng mà quên đi trách nhiệm của mình.
Cẩm Phô
Người mua vui vẻ vì "được lời"
Là khách hàng lâu năm và thường xuyên của hai doanh nghiệp này, tôi cảm thấy sự "chịu thiệt" của họ là sự chọn lựa khôn ngoan. Việc giảm giá 2% trên tổng hóa đơn, nếu tính cho kỹ, chưa chắc họ đã gánh phần thiệt. Ngược lại, họ lại có lượng khách hàng thân thiết tăng đều đặn và gắn bó lâu dài nhờ cảm thấy thói quen dùng túi giỏ tái sử dụng được ghi nhận, người mua "có lời".
Tôi biết có nhiều doanh nghiệp tuy quy mô nhỏ, không xây dựng thương hiệu bài bản nhưng họ vẫn đang thầm lặng và kiên trì theo đuổi lựa chọn hạn chế tối đa rác thải nhựa. Họ vừa bán hàng vừa tỉ tê với khách (để những người chưa quen với cách gói hàng giảm thiểu túi nilông) thông cảm, thấu hiểu và chung tay giảm rác nhựa.
Tôi còn nhớ mình đã được nhiều người bán hàng lớn tuổi tại các khu chợ truyền thống ở Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia... tặng thêm một ít sản phẩm vừa mua hay một món quà nào đó chỉ vì tôi đã mang theo túi vải để đựng. Cũng có nhiều người chủ trẻ cúi đầu chào bày tỏ lòng biết ơn khi tôi đã chọn cách cầm trên tay, cho vào túi áo để không phải dùng thêm chiếc bọc nilông nào khi mua sản phẩm của họ.
Ở Việt Nam thì hiếm khi tôi được khích lệ bằng hành động thiết thực này tại chợ truyền thống hoặc các tiệm tạp hóa nhỏ, kể cả siêu thị lớn. Thi thoảng lắm mới nhận được một chia sẻ dạng lời khen: "Đấy, cứ như này cô đỡ tiền mua túi nilông! Cô cũng muốn giảm túi đựng nhưng chiều khách nên khó lắm!". Đôi khi, tôi phải nghe những lời xì xào hoặc vài ánh mắt lạ khi tôi từ chối đựng đồ trong túi nilông.
Hẳn nhiên điều này không ảnh hưởng đến lựa chọn của tôi lắm, nhưng nó như một minh chứng rõ ràng để thấy rằng muốn cả cộng đồng hàng động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa vì chính phủ còn nhiều việc phải làm lắm.
Bạn phải trả phí vì tạo ra rác
Trong khi nhiều quốc gia có quy định cụ thể về túi đựng rác và quy chế phân loại rác rõ ràng thì nước ta vẫn "tạo điều kiện" để người dân tận dụng túi nilông đựng rác. Ở quầy tính tiền, nhiều người vẫn chìa tay ra xin thêm vài chiếc túi cỡ lớn về đựng rác.
Nếu bạn muốn tiện lợi, bạn phải trả phí cho việc tạo ra rác; nếu bạn muốn tiết kiệm, bạn cần hành động. Người bán từ tiểu thương ở chợ cho đến trung tâm mua sắm đều cần hành động cho cái chung này.
Tạo thuận lợi cho khách
Chị Thảo Ngân, chủ của La Carità (dịch vụ đặt món trực tuyến tại TP.HCM), chia sẻ: "Tiệm mình đang áp dụng nhiều chính sách đổi trả, tái sử dụng, tiết kiệm bao bì cho nhiều mặt hàng. Tiệm sẽ thu lại hũ thủy tinh, dùng bao bì nguyên liệu cũ cho đơn mua châm thêm và đặt mua trong túi giấy. Chính sách thành công nhất, được hưởng ứng nhiều nhất là tái sử dụng bao bì nguyên liệu cũ. Theo đó, tôi nhận thấy người tiêu dùng sẽ hưởng ứng nhiều những chính sách nào mang đến cho họ sự tiện lợi nhất".
Cần có sản phẩm giúp thay đổi thói quen cũ
Ủng hộ việc cấm sử dụng túi nilông nhưng nhiều nhân viên siêu thị lo ngại khi chưa có sản phẩm thay thế - Ảnh: Q.THẾ
Trong một hội thảo mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Trung Thắng - phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) - cho biết nước ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Đến năm 2026 sẽ xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn dùng túi nilông.
Bà Lê Thị Hương (46 tuổi, bán hàng ở chợ cóc làng Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu) cho biết: Bảo vệ môi trường chắc chắn ai cũng sẽ hưởng ứng, tuy nhiên theo tôi trước khi cấm, tiến hành xử phạt cần phải hướng dẫn và sớm có sản phẩm thay thế để người dân và doanh nghiệp lựa chọn".
"Mớ rau có thể dùng lạt để buộc, nhưng nhiều sản phẩm khác như cá, trứng hay thịt thì không dùng túi nilông rất khó. Mong các cơ quan sớm có hướng dẫn thêm để người dân biết và làm...", bà Hằng (tiểu thương chợ Nghĩa Tân, cùng ở quận Cầu Giấy) nói.
Ông Hoàng Sơn - giám đốc một công ty thực phẩm (trụ sở tại Hà Nội) - cho biết ông rất lo ngại trước thông tin sẽ xử phạt từ năm 2026. "Ví dụ như bán hải sản cần túi nilông. Nhiều mặt hàng cần đóng gói bảo quản sản phẩm thì phải dùng túi nilông để hút chân không. Hiện nay, không chỉ cung cấp sản phẩm vào siêu thị Việt Nam mà công ty còn là đối tác cho một số bạn hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và họ vẫn đang sử dụng túi nilông dùng một lần. Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, có lộ trình cụ thể, phù hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị thích ứng", ông Hoàng Sơn cho hay.
Trong khi chị Ngọc Anh - chủ một siêu thị mini (khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) - cho biết: "Tôi thấy rất hoang mang vì nhiều sản phẩm đặc thù không dùng túi nilông thì rất khó bán hàng. Dùng tre, nứa hay lá chuối để gói nhiều khi cũng bất tiện, giá thành cao hơn và không phải lúc nào cũng đáp ứng được".
Để giảm sử dụng túi nilông tại trung tâm mua sắm, nhiều đơn vị cung ứng sản phẩm tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) đã sử dụng giỏ, túi xách đan lát bằng tre để đựng sản phẩm. Trong khi đó, một số chuỗi đồ uống nhanh ở Hà Nội đã khuyến khích khách hàng mang theo cốc, uống hút sẽ được giảm giá.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng: "Việc dần không dùng túi nilông là cần thiết, hướng đến cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, trước khi cấm cần phải có các sản phẩm thay thế. Nhiều quốc gia đã sản xuất ra các sản phẩm thay thế túi nilông có thể dùng lại nhiều lần và tái chế được. Chúng ta cũng cần hướng đến sản xuất các sản phẩm thay thế thì người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ hưởng ứng".
QUANG THẾ ghi
TTO - 'Muốn loại bỏ túi nilông dùng 1 lần, cần đánh vào kinh tế chứ tuyên truyền tác dụng không cao. Tôi thấy có người mua 1.000 đồng ớt cũng xin 1 túi nilông'...
Xem thêm: mth.97565209050502202-neit-maig-coud-av-iut-oeht-gnam-gnah-aum/nv.ertiout