Ba thập kỷ qua, các công ty và người tiêu dùng được hưởng lợi từ các kết nối xuyên biên giới. Mạng lưới này tạo ra nguồn cung cấp ổn định cho các mặt hàng điện tử, quần áo, đồ chơi và các hàng hóa khác, với giá cả ở mức thấp.
Nhưng khi đại dịch và chiến sự ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các mối quan hệ thương mại và kinh doanh, quá khứ đó dường như bị đảo ngược hoàn toàn. Các công ty đang cân nhắc lại xuất xứ nguồn cung và dự trữ hàng tồn kho, ngay cả khi điều đó có thể khiến hiệu quả thấp hơn và chi phí cao hơn.
Nếu thực trạng này kéo dài, sự chuyển hướng khỏi toàn cầu hóa rõ rệt như vậy có thể tạo ra những tác động quan trọng đối với lạm phát và nền kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị gần đây sẽ dẫn đến sự đảo ngược hoặc sắp xếp lại sản xuất toàn cầu đến mức nào. Ví dụ như các nhà máy ở nước ngoài chuyển về Mỹ và các quốc gia khác ít gây rủi ro chính trị hơn.
Khi điều đó xảy ra, đà sụt giảm kéo dài hàng thập kỷ của giá nhiều loại hàng hóa có thể kết thúc hoặc thậm chí bắt đầu đi theo hướng khác, có khả năng thúc đẩy lạm phát nói chung. Kể từ năm 1995, các mặt hàng lâu bền như ôtô và thiết bị đã giảm phát, trong khi giá các mặt hàng không bền như quần áo và đồ chơi chỉ tăng chậm.
Những xu hướng đó bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2020, sau khi đại dịch bùng phát. Chi phí vận chuyển tăng cao, tình trạng thiếu hụt, cộng với nhu cầu mạnh mẽ đã đẩy giá xe hơi, đồ nội thất và thiết bị leo thang. Đã có một số nhà kinh tế dự báo đà tăng giá mạnh vẫn tiếp tục. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng mọi thứ đắt hơn này có kéo dài hay không?
Câu trả lời có thể xoay quanh việc liệu sự chuyển hướng khỏi toàn cầu hóa có tiếp diễn hay không. "Đó chắc chắn sẽ là một thế giới khác, nơi mà lạm phát có thể cao hơn, năng suất thấp hơn, nhưng chuỗi cung ứng linh hoạt và mạnh mẽ hơn", Jerome H. Powell, Chủ tịch Fed, nhận định hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông Powell nói, không rõ các điều kiện sẽ thay đổi mạnh mẽ như thế nào. "Sự đảo ngược của toàn cầu hóa vẫn không rõ ràng", ông nói thêm.
Thời kỳ hội nhập toàn cầu hưng thịnh trước đại dịch khiến nhiều thứ người Mỹ mua rẻ hơn. Máy tính và các công nghệ khác đã làm cho các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn và họ sản xuất giày thể thao, bàn bếp và thiết bị điện tử với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.
Các công ty cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách chuyển nhà máy ra nước ngoài, nơi mức lương thấp hơn. Việc sử dụng các container và các tàu chở hàng khổng lồ cho phép các sản phẩm được vận chuyển từ Bangladesh và Trung Quốc đến Seattle và Tupelo hay khắp các tuyến khác với mức giá thấp đáng kinh ngạc.
Nhưng những thay đổi đó cũng gây ra hậu quả cho các công nhân Mỹ, những người đã chứng kiến nhiều công việc biến mất. Phản ứng chính trị đối với toàn cầu hóa đã giúp đưa cựu Tổng thống Donald J. Trump lên nhậm chức, vì ông đã hứa đưa các nhà máy trở lại Mỹ. Các cuộc chiến tranh thương mại và thuế quan của ông đã khuyến khích một số công ty chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, để sang các quốc gia có chi phí thấp khác như Việt Nam và Mexico.
Đại dịch cũng cho thấy hiệu ứng quả cầu tuyết của các chuỗi cung ứng. Việc đóng cửa nhà máy và sự chậm trễ trong giao thông vận tải đã gây khó khăn cho việc bảo đảm cung ứng một số hàng hóa và bộ phận, ví dụ như chất bán dẫn quan trọng đối với thiết bị điện tử, thiết bị gia dụng và ôtô. Chi phí vận chuyển đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng hai năm, xóa xổ mức tiết kiệm được khi sản xuất một số sản phẩm ở nước ngoài.
Bắt đầu từ cuối năm 2020, giá máy giặt, ghế dài và các sản phẩm lớn khác đã tăng mạnh do sản xuất hạn chế cộng với nhu cầu cao. Lạm phát tăng nhanh kể từ đó. Khủng hoảng Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, làm tăng giá khí đốt và các mặt hàng khác trong những tháng gần đây.
Chỉ số lạm phát được theo dõi bởi Fed tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái cho đến hết tháng 3. Đó là tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ năm 1982 và mức tăng giá đang chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, bao gồm cả khu vực đồng euro và Anh.
Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng việc tăng giá đối với hàng hóa lâu bền sẽ hạ nhiệt đáng kể trong những tháng tới, giúp làm dịu mức tăng giá tổng thể. Dữ liệu từ tháng 3 cho thấy xu hướng bắt đầu được điều chỉnh. Fed tăng lãi suất có thể giúp việc mua nhà, xe, máy móc và các vật dụng khác đắt hơn.
Nhưng vẫn còn những câu hỏi về việc liệu các sản phẩm chính sẽ quay trở lại mức giá thấp ổn định như trước khi có Covid-19 hay không.
Hiện vẫn chưa rõ các nhà máy ở Mỹ đang di chuyển về gần nhà ở mức độ nào. "Chỉ số reshoring - quá trình trả lại sản xuất và sản xuất các mặt hàng về nước gốc của công ty" do công ty tư vấn Kearney công bố là âm vào năm 2020 và 2021. Chỉ số âm nghĩa là Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất hơn từ các nước có chi phí thấp.
Nhưng nhiều công ty cho biết đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác và các giám đốc điều hành của Mỹ tỏ ra tích cực hơn trong việc đưa nhiều ngành sản xuất trở về nước.
Duke Realty, công ty cho thuê nhà kho và các cơ sở công nghiệp ở Mỹ, hy vọng sự thay đổi này tạo ra thêm nhu cầu trong những năm tới. CEO Steve Schnur nói rằng các khách hàng của ông đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để thích ứng với những biến động của tương lai.
Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho biết một số điều chỉnh nguồn cung đang diễn ra. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy hầu hết doanh nghiệp chọn giải pháp giảm thiểu rủi ro bằng cách tích trữ hàng tồn kho và tìm kiếm các nhà cung cấp bổ sung ở các quốc gia có chi phí thấp. Theo bà, quá trình này có thể đưa các quốc gia nghèo hơn ở châu Phi và các khu vực khác trên thế giới hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết người tiêu dùng Mỹ đã quen với hàng hóa nhập khẩu giá thấp trong một thời gian dài, nhưng nó "được xây dựng trên một cái gì đó rất dễ vỡ". Và người Mỹ không chỉ là người tiêu dùng. Họ cũng là những người lao động phải cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nơi mà toàn cầu hóa "đã thực sự làm xói mòn cơ hội và mức lương" cho người Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng trong điều kiện toàn cầu hóa 2.0 trong tương lai, chúng ta cần có những cuộc trao đổi cứng rắn. Một tương lai kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn là một tương lai sẽ trông khác hơn bây giờ", bà Tai nói.
Ford Motor, công ty đã đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng đại dịch, đang nghiên cứu sản xuất pin của riêng mình - bao gồm cả ở Mỹ. "Về trung và dài hạn, đảm bảo nguyên liệu thô, chế biến, tiền chất và tinh chế cũng như thiết lập sản xuất pin ở Mỹ và trên toàn thế giới là một kế hoạch lớn của chúng tôi", CEO Jim Farley cho biết.
Các công ty cũng đang bắt đầu phải đối mặt với áp lực chi phí ngày càng tăng từ lượng khí thải carbon mà họ thải ra trong quá trình vận chuyển. Đây cũng là một lý do có thể thúc đẩy họ chuyển nhà máy đến gần hơn với người tiêu dùng.
Scott N. Paul, Chủ tịch của Liên minh Sản xuất Mỹ, cho biết rủi ro kinh tế và chính trị cùng với các tính toán chi phí carbon đang khuyến khích các công ty chuyển dần ngành sản xuất của họ sang gần Mỹ. "Tôi thấy xu hướng đó đang tăng tốc", ông nói.
Những thay đổi về dân số trong thời gian dài cũng có thể cộng thêm tác động của sự chậm lại hoặc thoái lui trong toàn cầu hóa. Cụ thể, chi phí lao động đắt hơn sẽ góp phần đẩy giá cao hơn. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, vào năm 2050, cứ sáu người trên toàn thế giới thì có một người trên 65 tuổi, tăng so với tỷ lệ 11 người vào năm 2019.
Thế giới già đi có nghĩa là sau nhiều thập kỷ có nguồn lao động rẻ và dễ kiếm, tình trạng thiếu lao động trên toàn thế giới diễn ra gần đây sẽ kéo dài. Điều đó có thể đẩy lương lên và các công ty chuyển chi phí lao động tăng cao cho khách hàng bằng việc tăng giá.
"Nhân khẩu học và sự đảo ngược của toàn cầu hóa có nghĩa là phần lớn trong số đó có khả năng tồn tại vĩnh viễn", Charles Goodhart, Giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế London, đánh giá. Ông Goodhart là đồng tác giả một quyển sách vào năm 2020 với lập luận rằng thế giới đang ở trên đỉnh của sự đảo ngược nhân khẩu học. "Sẽ có những cơ cấu lại trong lực lượng lao động làm gia tăng lạm phát trong 2-3 thập kỷ tới", ông nói.
Nhưng một số chuyên gia khác không đồng ý. Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chỉ ra rằng rất nhiều công nhân có sẵn ở các khu vực Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Và lạm phát yếu ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, mặc dù dân số già hơn nhiều.
Theo người này, sự suy giảm toàn cầu hóa cũng không nhất thiết phải gia tăng lạm phát về lâu dài. Bằng cách tăng trưởng chậm lại, nó có thể dẫn đến nhu cầu ít hơn và tăng giá. Nhưng quỹ đạo đan xen của toàn cầu hóa, giá cả hàng hóa và lạm phát nói chung sẽ là điều mà các nhà kinh tế học cần theo dõi chặt chẽ.
Carlos Viana de Carvalho, Cựu chuyên gia kinh tế của Fed chi nhánh New York, hiện là Trưởng bộ phận nghiên cứu về tài sản Brazil tại Kapitalo Investimentos, cho biết mọi người thường nói đó là câu hỏi triệu USD, nhưng ngày nay đó là câu hỏi tỷ hoặc nghìn tỷ USD.
Theo ông, có khả năng nhưng cũng không chắc thế giới đang chuyển sang một kỷ nguyên kinh tế mới, được đánh dấu bởi lạm phát cao hơn trong bối cảnh những thay đổi đối với hội nhập toàn cầu và mối quan tâm về khí hậu ngày càng gia tăng. "Những thứ này rất khó xác định ngay tức thì", ông nói.
Phiên An (theo NYT)