Trong đơn kêu cứu gửi Báo Người Lao Động, cư dân chung cư Topaz Elite - Phoenix 1 (đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM) bức xúc vì 2 tháng trở lại đây, chuông báo cháy của chung cư thường xuyên reo vô tội vạ, nhất là buổi tối, khiến trẻ em sợ hãi, kêu khóc.
Đến đâu cũng nghe kiến nghị, tranh chấp
Ông H.T.T (đại diện nhóm cư dân chung cư) bức xúc kể ngày nào chuông báo cháy cũng reo nhưng Ban Quản lý chung cư Topaz Elite - Phoenix 1 đều không có động thái gì nhằm điều tra nguyên nhân, thông báo giải thích sự cố hoặc hướng dẫn giải quyết sự cố... Ngoài ra, bãi đậu xe mặt đất sắp xếp không hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. "Sự im lặng của ban quan lý sau mỗi lần báo cháy đang dần tạo tâm lý khinh suất và không quan tâm đến tiếng chuông báo cháy trong bộ phận lớn cư dân. Điều này hết sức nguy hiểm" - ông T. nói. Bức xúc nữa là cư dân vào ở từ năm 2020 và đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị nhưng chủ đầu tư không thực hiện. "Theo đó, nhiều vấn đề cư dân phản ánh không được giải quyết và ban quản lý cũng từ chối tiếp xúc cư dân. Họ coi thường quy định quá" - ông T. bày tỏ và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Chung cư Topaz Elite - Phoenix 1 (đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM) nơi cư dân bức xúc về công tác quản lý, vận hành chung cư; phòng cháy chữa cháy…
Có mặt tại buổi khảo sát mới đây của Ban Đô thị HĐND TP HCM về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Thủ Đức, chúng tôi đã chứng kiến nỗi bức xúc của bà Trần Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Quản trị chung cư 4S Linh Đông. Bà Loan cho biết nơi đây gồm cụm 4 chung cư được xây dựng cuốn chiếu và được Sở Xây dựng đồng ý nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2018. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2017, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho chủ sở hữu. Cách đây 2-3 năm, cư dân bức xúc treo băng rôn đòi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) và yêu cầu công khai quỹ bảo trì chung cư nhưng không được đáp ứng. Ngoài ra, cư dân nơi đây cũng rất bức xúc về việc tranh chấp sở hữu chung của nhà chung cư; bảo hành, bảo trì, sửa chữa các hạng mục công trình; khai thác tầng hầm giữ xe; công tác quản lý, vận hành chung cư… "Cư dân đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng, lãnh đạo thành phố để phản ánh, kiến nghị xem xét thanh tra xử lý vi phạm và chế tài buộc chủ đầu tư hoàn tất nghĩa vụ để sớm được cấp sổ hồng cho 1.154 chủ sở hữu nhưng vẫn chưa được giải quyết" - bà Loan thông tin.
Bà Trần Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Quản trị chung cư 4S Linh Đông, trình bày hàng loạt bức xúc với đoàn khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP HCM
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng Ban Quản trị chung cư Moonlight (đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức), mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ cư dân (535 căn hộ) sớm được cấp sổ hồng vì cư dân ở đây đã gần 3 năm. "Đặc biệt, ban quản trị mong sớm được nhận bàn giao quỹ bảo trì cho phần diện tích riêng của chủ đầu tư" - ông Ngọc kiến nghị.
Cũng ở TP Thủ Đức, cư dân chung cư Lexington đang bức xúc về việc chậm được cấp sổ hồng trong khi lỗi không phải ở cư dân. Các cư dân chung cư này cho hay đầu năm 2021, đi làm hồ sơ thì mãi đến cuối năm nhận câu trả lời là không được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Chuyện kiến nghị, tranh chấp như trên tại các chung cư ở TP HCM ngày càng phổ biến nhưng lại không được giải quyết triệt để khiến hàng chục ngàn hộ gia đình sinh sống ở chung cư đang ngày đêm ăn ngủ không yên. Theo HĐND TP HCM, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc nhiều nhất trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư là việc cấp sổ hồng cho cư dân. Nhiều nơi cư dân vào ở hơn chục năm nhưng vẫn chưa nhận được sổ hồng dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Mổ xẻ nguyên nhân, HĐND TP HCM cho biết có tình trạng một số chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã thế chấp dự án cho các tổ chức tín dụng hoặc đang chịu quyết định của cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế được duyệt, không liên hệ với cơ quan chức năng về việc cấp sổ hồng cho người dân theo quy định.
Tổng kiểm tra để tháo gỡ, xử lý
Trước bức xúc của Ban Quản trị chung cư 4S Linh Đông, đại diện chủ đầu tư cho biết không thống nhất với số liệu kiểm toán về kinh phí bảo trì nên đã gửi công văn lên Sở Xây dựng và đang thực hiện theo hướng dẫn. Chủ đầu tư cũng cho hay đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để thực hiện thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân chứ không phải không làm. Trong khi đó, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM cho biết đang triển khai các bước theo quy định, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ giải quyết cấp sổ hồng cho cư dân. "Chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ cơ quan chức năng để giải quyết cấp sổ hồng cho người dân nhưng chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ. Vướng mắc tới đâu thì giải quyết tới đó. Nếu khó khăn phát sinh thì báo cáo xin ý kiến UBND thành phố" - đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM nói.
Liên quan sự việc ở chung cư Lexington, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, thông tin trên địa bàn thành phố có hơn 70 dự án nhà ở liên quan việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung để đủ điều kiện cấp sổ hồng, đến nay còn 43 dự án, trường hợp chung cư Lexington mà cư dân phản ánh nằm trong nhóm dự án này. "Thành phố chỉ đạo làm nhanh, Sở TN-MT sẽ tính toán phần nghĩa vụ tài chính bổ sung để cấp sổ hồng cho cư dân tại dự án này" - ông Thắng cam kết.
Liên quan việc nhiều chung cư đã lâu vẫn chưa có sổ hồng, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay khi tổ chức xây dựng, chủ đầu tư có quyền thế chấp dự án để lấy nguồn vốn xây dựng nhưng phải bảo đảm khi xây dựng xong phải giải chấp ở ngân hàng và nộp hồ sơ cấp sổ hồng. "Hiện trên địa bàn thành phố có 60 dự án thế chấp ngân hàng. Sở cũng đề nghị sớm giải chấp để nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân" - Giám đốc Sở TN-MT TP HCM nói. Ông cho biết thêm từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, thành phố có 232 dự án nhà ở và cơ quan chức năng đã cấp sổ hồng cho hơn 71.000 căn hộ. Đặc biệt, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch đến năm 2023 cấp khoảng 40.000 sổ hồng. Theo đó, từng vấn đề sẽ được cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết để sớm cấp sổ hồng cho cư dân.
Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy thành phố có tổng cộng 1.518 nhà chung cư, trong đó chỉ 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, số còn lại đa phần được phê duyệt và xây dựng sau khi Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực. "Trước thực trạng tiếp nhận ngày càng nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị, tranh chấp liên quan chung cư mà chủ yếu là ở các chung cư được phê duyệt và xây dựng sau khi Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố năm 2022" - Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết.
Theo ông Trần Hoàng Quân, việc kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thu thập các thông tin về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm đánh giá thực trạng, xác định các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh; đề xuất các giải pháp hướng dẫn, khắc phục thiếu sót.
Kiểm tra gì ở chung cư?
Theo Sở Xây dựng TP HCM, công tác kiểm tra sẽ kéo dài từ ngày ban hành kế hoạch đến hết tháng 7 và tập trung các nội dung: pháp lý đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình chung cư; tình hình quản lý, sử dụng chung cư; bảo trì, an toàn phòng cháy chữa cháy; hoạt động của ban quản trị; nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quá trình bàn giao, quản lý, vận hành chung cư.
Đối tượng kiểm tra là chủ đầu tư, ban quản trị và các đơn vị vận hành nhà chung cư; chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và các tổ chức, cá nhân liên quan. Phạm vi kiểm tra là các chung cư được xây dựng từ sau ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành.
Theo Quốc Anh
NLĐ
Xem thêm: nhc.27965133150502202-uc-gnuhc-nagn-ac-art-meik-mch-pt/nv.zibefac