Một tàu ngầm Type 039A của Trung Quốc. S26T là biến thể xuất khẩu của loại tàu ngầm này - Ảnh: SCMP
Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 5-5, chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đang chật vật trong việc bảo vệ thỏa thuận đóng tàu ngầm trị giá 1,05 tỉ USD với Trung Quốc giữa lúc nước này đối mặt với nền kinh tế trì trệ và đại dịch COVID-19.
Vào năm 2017, thỏa thuận trị giá 13,5 tỉ baht (392 triệu USD) của Trung Quốc để đóng 3 chiếc tàu ngầm diesel-điện S-26T cho Thái Lan đã được giới chuyên gia ca ngợi là một trong những trọng tâm trong kế hoạch xuất khẩu quốc phòng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chiếc đầu tiên dự kiến được bàn giao vào năm 2024 có nguy cơ bị hoãn lại khi nhà sản xuất không thể mua được động cơ diesel do Đức sản xuất như quy định trong hợp đồng. Theo SCMP, một quan chức tại Đại sứ quán Đức ở Thái Lan hồi tháng 2 cho biết Bắc Kinh đã không phối hợp với Berlin trước khi ký hợp đồng với Bangkok vào năm 2017.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể chuyển giao các tàu ngầm cũ cho Thái Lan như một hình thức bồi thường (do việc chuyển giao không đúng hẹn). Viễn cảnh này trở thành đề tài tranh luận trên mạng xã hội và truyền thông Thái Lan.
Cuộc tranh luận cũng kéo phe đối lập ở Thái Lan vào cuộc với đề nghị dừng ngay thỏa thuận mua tàu ngầm Trung Quốc để đảm bảo các lợi ích của quốc gia. Bất chấp những điều đó, hải quân và quân đội Thái Lan vẫn im lặng.
"Nếu Trung Quốc đề nghị chuyển giao cho Thái Lan 2 tàu ngầm được tân trang lại thay vì đóng mới hoàn toàn, Bangkok có khả năng sẽ từ chối tiếp nhận các tàu này vì họ muốn tàu mới chứ không phải tàu cũ", SCMP dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định.
Mô hình tàu ngầm S-26T Trung Quốc đóng cho Thái Lan - Ảnh: SCMP
Trước đó, Hải quân Thái Lan tuyên bố China Shipbuilding & Offshore International - đơn vị chịu trách nhiệm đóng tàu của bên Trung Quốc - phải tuân thủ hợp đồng quy định việc sử dụng động cơ MTU do Đức sản xuất.
Các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận này khó có thể bị hủy bỏ, lý do có thể xuất phát từ việc chính quyền Thái Lan đang ưu tiên củng cố và duy trì mối quan hệ "láng giềng thân thiết" với Trung Quốc cũng như tăng cường năng lực quốc phòng.
Theo ông Storey, Chính phủ Thái Lan đã luôn mong muốn có được khả năng hoạt động quân sự dưới mặt nước trong nhiều thập kỷ để theo kịp các nước láng giềng. Ngay cả nước láng giềng phát triển chậm hơn là Myanmar hiện nay cũng đã vận hành 2 tàu ngầm.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan cùng với Brunei, Campuchia và Philippines là các nước giáp biển nhưng không có tàu ngầm. Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore đều đã có hạm đội tàu ngầm hoạt động từ lâu.
"Trung Quốc sẽ muốn thỏa thuận này được tiến hành vì việc mua bán vũ khí ngày càng trở thành một thành phần quan trọng trong chính sách ngoại giao quốc phòng của nước này ở châu Á", chuyên gia Storey đưa ra quan điểm.
Việc Trung Quốc chuyển giao tàu ngầm cũ cho nước ngoài không phải hiếm, chủ yếu là các nước đã từng mua vũ khí của nước này.
Vào cuối năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã chuyển giao một tàu ngầm lớp Type 035 cho Myanmar. Chiếc tàu sau đó được biên chế và đổi tên thành UMS Minye Kyaw Htin, trở thành tàu ngầm thứ hai của Hải quân Myanmar sau chiếc UMS Minye Theinkhathu vốn cũng là tàu ngầm lớp Kilo cũ được Ấn Độ chuyển giao.
TTO - Trong bài viết về "ngoại giao tàu ngầm" Trung Quốc hôm 12-2, tạp chí Asia Times cho biết Bắc Kinh đang dùng các thương vụ tàu ngầm để tiếp cận ngày càng nhiều cảng và cơ sở hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.