Trước đây, mỗi lần FED tăng lãi suất, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đều gặp thách thức vì lãi suất tăng ở Mỹ đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn nóng khỏi khu vực. Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng trung ương ở châu Á chịu áp lực phải tăng lãi suất để ngăn sự thoái vốn.
Nhưng các chuyên gia của Bank of America nói rằng có 3 lý do để ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi không đua tăng lãi suất với FED, ít nhất ở giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt:
Thứ nhất, lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi châu Á còn đang ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng CPI chưa đến nỗi nóng bỏng tay sẽ cho phép các ngân hàng trung ương châu Á có chính sách thích ứng từ từ.
Thứ hai, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á đang yếu đi. Vì vậy mục tiêu phục hồi kinh tế vẫn là số 1 đối với các quốc gia này.
Và thứ ba, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng và thặng dư cán cân vãng lai hiện tại có thể bảo vệ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á khỏi áp lực thoái vốn.
Ngân hàng Trung ương của Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đều đang giữ vững lãi suất và các chuyên gia cho rằng đó là do đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn còn yếu tại các quốc gia này. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng trung ương khác ở châu Á như Hàn Quốc và Singapore đã phải nâng lãi suất để chống lạm phát. Hoặc chỉ vài tiếng trước kết quả cuộc họp của FED, ngân hàng Trung ương Ấn Độ RBI cũng bất ngờ tăng lãi suất, với mức tăng được cho là khá mạnh tay, 0,4%. Gần 4 năm rồi ngân hàng này mới có động thái tăng lãi suất.
Ngân hàng Trung ương của Brazil cũng đang cân nhắc một đợt tăng lãi suất lên 12,75% một năm.
Tất cả những lần tăng lãi suất này đều chỉ tới một nguyên nhân lớn: Lạm phát. Các nền kinh tế nhiều tháng qua đều đang phải đối mặt với giá hàng hoá tăng vọt. Tăng lãi suất được dùng như một biện pháp để hạ nhiệt khi chỉ số lạm phát trở nên quá cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!