Loïc Gautier – cựu CEO startup bán hàng hiệu giảm giá Leflair - vừa được bổ nhiệm làm CEO Leflair Group sau giai đoạn tái cấu trúc.
Xuất hiện sau biến cố phá sản 2 năm trước, Loïc của ngày hôm nay không còn là một Founder với tinh thần "Go Big or Go Home" (tạm hiểu: Được ăn cả, ngã về không), mà hướng đến sự tăng trưởng bền vững hơn.
Bài toán với Leflair Group hiện nay, cũng không đơn thuần là tìm lời giải cho câu chuyện thoát lỗ của một nền tảng bán hàng hiệu online đơn lẻ (single platform), mà là tái định hình lại chuỗi cung ứng bán lẻ đang phân mảnh, khiến người dùng chi 100 USD mua hàng hiệu thì 60 USD đổ chảy vào túi một loạt doanh nghiệp trung gian.
Những tay chơi nào đang giành giật miếng bánh bán lẻ hàng hiệu?
Theo phân tích của vị doanh nhân người Pháp yêu thích kinh doanh tại Việt Nam, những tay chơi trong thị trường bán lẻ hàng hiệu có thể chia thành 7 loại hình.
Trong đó, International Brands (các thương hiệu hàng hiệu quốc tế) sẽ thu về khoảng 40% trong chuỗi giá trị. 6 tay chơi còn lại sẽ chia nhau 60% giá trị.
Hiểu nôm na, nếu người dùng mua 1 cái áo hàng hiệu trị giá 100 USD, thì chuỗi cung ứng sẽ phân chia giá trị như sau:
Đồ họa: Hà Mĩ.
Chính sự phân mảnh này cũng sẽ tạo ra một số khó khăn/rủi ro nhất định với một số tay chơi.
"Ở Việt Nam, nhu cầu mua hàng hiệu lúc nào cũng có, nhưng số lượng sản phẩm hàng hiệu đang bán ở Việt Nam thực ra không nhiều như ở các thị trường khác. Bởi chuỗi cung ứng bị chia nhỏ, tay chơi đầu tiên - nhà phân phối (Exclusive Distributors) phải mua Brand về - chịu nhiều rủi ro về áp lực vốn khi phải mua hàng nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, cũng như rủi ro tồn kho", tân CEO Leflair Group phân tích.
Mặt khác, ông Loïc cho rằng những tay chơi cuối chuỗi cung ứng – Platforms và Marketplaces như Leflair - những nền tảng đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên do đứng cuối chuỗi cung ứng, phần lợi nhuận họ kiếm không nhiều bằng Exclusive Distributors, tạo ra những khó khăn nhất định để một nền tảng TMĐT có thể có lợi nhuận và phát triển bền vững.
Các tay chơi ở giữa đảm nhận các khâu Marketing, Logistics, Delivery… cũng tham gia miếng bánh trong chuỗi cung ứng này, rủi ro của họ là lệ thuộc vào 2 tay chơi đầu và cuối - Exclusive Distributors và Platform.
"Khi thị trường đi xuống, các doanh nghiệp khúc giữa này có thể gặp nhiều rủi ro", ông Loïc nhận định.
Cách chơi của Leflair: Tăng tốc M&A để trở thành "Super Distributor" tại Đông Nam Á, nhắm mốc IPO cuối 2022
Nếu như trong quá khứ, Leflair là một nền tảng đơn lẻ và chật vật trên con đường tìm điểm hòa vốn, thì Leflair của hiện tại chọn một hướng đi khác, tham vọng định hình hệ sinh thái bán lẻ Lifestyle ở Đông Nam Á.
Thay vì trở thành một cấu phần hưởng lợi nhuận ít ỏi từ chuỗi phân phối bán lẻ, Leflair Group nhắm mốc trở thành một nhà Siêu Phân phối (Super Distributor), nắm bắt và kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng.
"Câu chuyện của Leflair Group khi quay lại lần này là muốn hợp nhất giữa các tay chơi với nhau, và tôi tin rằng khi chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái, mà trong đó tất cả tay chơi đóng một phần và tạo ra giá trị nhất định, từ đấy người tiêu dùng sẽ có trải nghiệm tốt hơn", ông Loïc nói.
Leflair đang trong quá trình chốt gọi vốn vòng pre-IPO, tiến tới IPO trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq giống như công ty mẹ SoPa
Sau khi mua lại thương hiệu Leflair, Society Pass (SoPa) - nền tảng khách hàng trung thành dựa trên dữ liệu niêm yết trên Nasdaq đã thực hiện nhiều hoạt động tái cấu trúc. Bà Ngô Thị Châm – Tổng giám đốc vận hành (COO) Leflair Group cho biết, sau tái cấu trúc, mô hình của Leflair Group có thể coi là một cách để hình dung lại về chuỗi cung ứng bán lẻ.
"Hiện Leflair Group cũng đang tập trung tìm kiếm để mua lại các công ty cho hệ sinh thái của mình, ví dụ ở đầu chuỗi cung ứng có những nhà phân phối, có thể là những bên cung cấp giải pháp marketing, các đơn vị giao nhận, kho bãi".
"Và khi kết hợp các công ty này lại trong cùng một hệ sinh thái, thì thay vì là một đơn vị sinh lỗ, thì nay lại đóng một giá trị nhất định trong hệ sinh thái, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho tập đoàn chung", bà Châm nói.
Leflair sẽ mở rộng hệ sinh thái theo hướng mua lại doanh nghiệp (M&A). CEO Leflair cho biết doanh nghiệp này đang trong quá trình thương thảo với 5 doanh nghiệp ở Việt Nam để mua lại trong năm nay. Leflair cũng đang trong quá trình chốt gọi vốn vòng pre-IPO, dự kiến trong Quý 2, tiến tới IPO trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq cuối năm nay giống như công ty mẹ SoPa.
SoPa lên sàn Nasdaq với mã chứng khoán SOPA vào ngày 9/11/2021, giá mở cửa là 15,5 USD/cổ phiếu, đóng cửa ở mức 48,3 USD/cổ phiếu. Từng thăng hoa tới hơn 77 USD/cổ phiếu, nay SOPA rớt chỉ còn 2,09 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/5/2022.
Kết thúc năm 2021, doanh thu (Revenue) SoPa tăng gần 10 lần, từ mức 52 nghìn USD năm ngoái lên gần 520 nghìn USD, đến chủ yếu từ doanh số của nền tảng TMĐT hàng hiệu Leflair. Lợi nhuận gộp (Gross Profit) của SOPA là - 191 nghìn USD, tăng mạnh so với khoản lỗ 36 nghìn USD cùng kỳ.
Kể từ khi thành lập, SoPa đã mua lại 4 doanh nghiệp gồm #HOTTAB, Leflair, Handycart tại Việt Nam và Pushkart tại Philippines.
http://tintuc.vdong.vn/05/1339182.htmBảo Bảo
Theo Nhịp Sống Kinh Tế