Các chuyên gia cảnh báo rằng giá dầu ăn như dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải sẽ tăng lên sau khi Indonesia bất ngờ thông báo về lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.
Dầu thực vật khan hiếm, giá cả leo thang
Các loại dầu ăn chủ yếu đang trong tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của thời tiết và khủng hoảng Nga - Ukraine. Hành động tạm ngưng xuất khẩu của Indonesia sẽ gây thêm căng thẳng cho những người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả, vì ở châu Á và châu Phi đang phải chịu cảnh giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
James Fry - chủ tịch công ty tư vấn hàng hóa LMC International, chia sẻ với Reuters rằng: “Quyết định của Indonesia sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu cọ mà còn ảnh hưởng đến dầu thực vật trên toàn thế giới”.
Người dân xếp hàng mua dầu ăn ở Palembang, Indonesia.
Dầu cọ được sử dụng trong rất nhiều thứ, từ bánh ngọt hay đồ chiên rán cho đến mỹ phẩm hay sản phẩm tẩy rửa - chiếm gần 60% các lô hàng dầu thực vật toàn cầu. Indonesia hiện là nơi sản xuất dầu hàng đầu, chiếm khoảng một phần ba tổng lượng dầu thực vật xuất khẩu.
Lệnh cấm xuất khẩu được công bố vào ngày 22/4 và có hiệu lực cho đến khi có thông báo mới, với mục đích giải quyết việc tăng giá trong nước.
Ông Fry cho biết thêm: “Điều này diễn ra khi lượng xuất khẩu của tất cả các loại dầu thiết yếu khác đang chịu nhiều áp lực khác nhau như: Dầu đậu nành thì do hạn hán ở Nam Mỹ, dầu hạt cải do nạn mất mùa ở Canada và dầu hướng dương do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine”.
Tình hình khó khăn chung
Rasheed JanMohd - Chủ tịch Hiệp hội các nhà lọc dầu ăn của Pakistan (PEORA) cho biết: “Không ai có thể bù đắp cho sự mất mát của dầu cọ Indonesia. Mọi quốc gia sẽ phải chịu cảnh khốn đốn”.
Giá dầu thực vật đã tăng hơn 50% trong nửa năm qua bởi nhiều yếu tố như tình trạng thiếu nhân lực ở Malaysia cho đến nạn hạn hán ở các nước xuất khẩu dầu đậu nành và dầu hạt cải lớn nhất như Argentina, Canada nay đã phải cắt giảm nguồn cung.
Người mua hàng đã kỳ vọng vào một mùa hướng dương bội thu từ Ukraine - nơi xuất khẩu dầu hàng đầu, sẽ có thế nới lỏng tình trạng này. Tuy nhiên, nguồn cung từ Kyiv đã phải ngừng lại vì khủng hoảng giữa Nga và Ukraine.
Atul Chaturvedi - Chủ tịch cơ quan thương mại Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi của Ấn Độ (SEA) chia sẻ rằng điều này đã khiến các nơi nhập khẩu phải dự trữ dầu cọ để có thể lấp lại khe hở về nguồn cung từ khi lệnh cấm của Indonesia mang tới những bất lợi liên tiếp tới người mua hàng.
Các loại dầu thực vật cũng bắt đầu tăng giá và khan hiếm.
“Các nơi nhập khẩu như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan sẽ cố gắng tăng lượng dầu cọ mua từ Malaysia. Tuy nhiên nơi sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới này vẫn không thể đáp ứng đủ. Malaysia chiếm 31% nguồn cung dầu cọ toàn cầu, đứng sau Indonesia chiếm tới 56%”, ông Atul Chaturvedi nói.
Thông thường, Indonesia là nơi cung cấp gần nửa số lượng dầu cọ nhập khẩu cho Ấn Độ, trong khi Pakistan và Bangladesh lại nhập khẩu gần 80% lượng dầu cọ từ Indonesia. Vào tháng 2 vừa rồi, giá dầu thực vật tăng cao kỷ lục do sự gián đoạn nguồn cung dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen.
Một tập đoàn dầu cọ ở Malaysia được nhà nước hậu thuẫn cho biết, các quốc gia nên tạm dừng hoặc hạn chế sử dụng dầu ăn làm nhiên liệu sinh học để có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ cho thực phẩm. Ngoài ra, còn cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nguồn cung sau khi lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia được ban hành.
Dầu cọ đồng thời được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất dầu diesel sinh học. Indonesia và Malaysia bắt buộc phải trộn dầu diesel sinh học với một lượng dầu cọ nhất định, với tỉ lệ tương ứng là 30% và 20%. Mới tháng trước, hai quốc gia này vẫn cam kết thực hiện sự uỷ thác này, dù giá cọ có cao hơn.
Nguồn: Guardian
https://afamily.vn/quoc-gia-chau-a-khon-kho-vi-thieu-dau-an-nguoi-dan-xep-hang-dai-cho-mua-hang-cac-nuoc-khac-chi-biet-khoc-rong-20220505132321145.chnTheo Hải Đăng
Pháp Luật và Bạn đọc