Một số cá nhân đã lên tiếng cáo buộc Facebook cố tình chặn các trang thuộc chính phủ, tổ chức y tế và dịch vụ khẩn cấp tại Australia để ngăn chặn một dự luật yêu cầu các nền tảng trả tiền để nhận tin tức, theo The Wall Street Journal.
Những người cáo buộc nói rằng vào năm 2021, Facebook đã tạo ra một thuật toán để xác định các trang sẽ ảnh hưởng đến nhiều bên xuất bản tin tức nhất. Tuy nhiên, Facebook không chỉ gỡ các trang do các tổ chức truyền thông quản lý mà còn gỡ trang đại diện của các bệnh viện, tổ chức từ thiện và cơ quan chính phủ.
Theo tài liệu nội bộ, đội ngũ nhân viên của Facebook đã bỏ qua một cơ sở dữ liệu có sẵn về các tổ chức xuất bản tin, sau đó nhanh chóng tạo ra một thuật toán sử dụng định nghĩa “tin tức” đủ rộng để ghi lại nhiều trang Facebook không dành cho tin tức. Tài liệu cho biết: “Nếu 60% nội dung của một tên miền được chia sẻ trên Facebook được coi là tin tức, toàn bộ tên miền đó sẽ được coi là tên miền tin tức.”
Kết quả là trong vài ngày liền, người Australia không thể truy cập hay chia sẻ tin tức và thông tin từ các trang cơ quan chính phủ hay dịch vụ chăm sóc y tế trên Facebook. Thời điểm xảy ra vấn đề này lại trùng với giai đoạn chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 tại Australia, khiến một số quan chức y tế quốc gia này lên án quyết định của Facebook.
Rắc rối của Facebook tại Australia bắt đầu khi nghị viện quốc gia này bắt đầu tìm cách bắt các công ty trả bên xuất bản tin tức nếu muốn chia sẻ tin trên nền tảng của mình.
Tháng 2/2021, Hạ viện Australia đã thông qua dự luật có nội dung như vậy; Facebook sau đó đã chặn chia sẻ hoặc xem tin tức trên Facebook tại Australia. Sau khi bị công chúng phản đối, Nghị viện Australia sau đó đã thương lượng với Facebook và thông qua một đạo luật mềm mỏng hơn được Facebook ủng hộ. Facebook sau đó đã đảo ngược lệnh cấm.
Facebook cho rằng việc chặn các trang cơ quan chính phủ và dịch vụ y tế là hoàn toàn vô ý và do lỗi kỹ thuật. Đại diện Facebook Andy Stone nói với The Wall Street Journal rằng Facebook đã xin lỗi và sửa chữa vấn đề này.
Tùng Phong (Theo Engadget/The Wall Street Journal)