Dù đã hết Quý 1/2022, nhưng tình trạng khan hiếm xe tại thị trường Việt Nam vẫn đang rất "nóng", nhiều mẫu xe không thể đáp ứng đủ số lượng để trả khách theo đơn đặt hàng. Người mua xe phải chờ đợi nhiều tháng kể từ khi ký hợp đồng đặt cọc mới nhận được xe, hoặc phải chấp nhận mua chênh giá (bia kèm lạc) từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để nhận xe sớm.
Theo khảo sát của phòng viên VOV.VN, tình trạng khan hiếm xe đặc biệt là những mẫu xe được nhiều người quan tâm như: Kia Seltos, Sonet; Hyundai Santa Fe, Tucson; Toyota Raize, Veloz Cross…. những ngày đầu tháng 5/2022 vẫn tăng cao. Nhiều đại lý kinh doanh xe ô tô tại Hà Nội thậm chí còn không nhận đặt cọc đối với một số dòng xe nhất định do chưa biết bao giờ mới có xe để trả khách do đơn đặt hàng đã lùi tới sang năm 2023.
Anh Nguyễn Tuấn Minh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, gia đình anh đang có nhu cầu mua một chiếc Toyota Raize để đi lại nhưng khi ra đại lý hỏi thì họ thông báo không nhận ký hợp đồng đặt cọc nữa vì chưa biết bao giờ có xe.
Một số đại lý Toyota không còn nhận ký hợp đồng đặt cọc với mẫu xe Raize.
"Tôi hỏi nếu ký hợp đồng bây giờ thì bao giờ được nhận xe, nhưng nhân viên tư vấn bán hàng nói luôn là hiện giờ không còn ký hợp đồng đặt cọc nữa vì xe về không đủ trả khách đã ký từ nhiều tháng trước. Thậm chí tôi còn chấp nhận mất thêm tiền chênh nhưng đại lý cũng không nhận ký hợp đồng. Còn nếu chuyển qua các dòng xe khác cũng phải đợi ít nhất vài tháng may ra mới có xe" – anh Minh cho biết.
Không chỉ xảy ra với các dòng xe Toyota, nhiều dòng xe Hyundai, Kia… cũng đang rơi vào tình trạng tương tự - đại lý không nhận ký hợp đồng đặt cọc mua xe.
Theo chia sẻ của các đại lý, tình trạng khan hiếm xe hiện nay chủ yếu do nguồn cung không đủ, một tháng đơn đặt hàng khi lên tới vài chục chiếc/mẫu xe; nhưng khi xe về đại lý thì chỉ có vài chiếc nên người mua phải chấp nhận chờ đợi hoặc nhận lại cọc nếu muốn.
"Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột Ukraine-Nga, rồi cộng với việc Trung Quốc đang áp dụng lệnh phong tỏa tại một số thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải…nên nhiều hãng xe không đủ linh kiện, chip để lắp ráp, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Từ đó dẫn đến thiếu hụt xe, cung không đủ cầu" – Giám đốc một đại lý kinh doanh xe tại Hà Nội chia sẻ.
Về tình trạng khan hàng, đại diện TC Group cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu đối với các mẫu xe – SantaFe, Tucson... Trong đó, nguyên nhân lớn nhất phải kể đến từ cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu khiến cho nhiều linh kiện cấu thành nên sản phẩm bị thiếu hụt.
Dù có nhiều khách hàng chấp nhận mua xe "bia kèm lạc" nhưng vẫn phải đợi hàng tháng trời mới nhận được xe.
"Đặc biệt là với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như Santa Fe & Tucson thì sự ảnh hưởng về thiếu hụt linh kiện lại càng rõ rệt. Bên cạnh đó, sự tác động của Covid-19 dẫn đến khả năng cung ứng sản phẩm linh kiện & vận chuyển của các nhà sản xuất trong hệ thống Hyundai toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nhất định. Trong thời gian tới, khi tình hình thiếu hụt linh kiện được giải quyết, khả năng sản xuất của chúng tôi được ổn định hoàn toàn thì tình trạng trên sẽ được sớm được giải quyết" – đại diện TC Group cho biết.
Hiện nay, TC Group đang nỗ lực trong việc tăng cường nguồn cung linh kiện và các hoạt động sản xuất để có được sản phẩm sớm nhất phục vụ người tiêu dùng.
Hãng xe Nhật Bản – Toyota Việt Nam cũng đã buộc hãng phải thông báo cụ thể trên Facebook chính thức của công ty về tình trạng cung không đủ cầu khiến nhiều mẫu xe bị bán theo kiểu "bia kèm lạc": "Chúng tôi không có chủ trương này [ép khách mua xe kèm phụ kiện]. Chính sách của Toyota luôn nhất quán: Khách hàng đến trước được phục vụ trước. Chúng tôi yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách trên để bảo vệ quyền lợi của khách hàng".
Đồng thời, Toyota cũng đề nghị khách hàng gặp phải tình trạng bán ô tô kiểu "bia kèm lạc" liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng để được xử lý. Có thể nói, việc bán xe kèm phụ kiện là điều quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam và dự kiến còn tiếp tục do lượng xe hạn chế.
Theo Gia Linh
Theo VOV
Xem thêm: nhc.26800049160502202-gnah-nahk-iv-coc-tad-gnod-poh-yk-nahn-gnugn-ot-o-yl-iad-ueihn/nv.zibefac