Đây là phiên thứ 2 liên tiếp các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu. Sự việc này lại diễn ra sau khi Cục dự trữ Liên bang (FED) vừa tăng lãi suất.
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và các dự báo tiếp theo, PV bản tin Chào buổi sáng đã kết nối với phóng viên Lê Tuyển từ New York.
PV: Anh Lê Tuyển, tại sao ngay sau khi FED tăng lãi suất, thị trường chốt phiên hôm đó ngập trong sắc xanh tăng điểm nhưng đến phiên hôm qua và cả hôm nay lại bị bán ra?
Phóng viên Lê Tuyển: Diễn biến tâm lý và chiến lược của các nhà đầu tư là điều rất khó đoán. Ở thời điểm này lại càng khó khi chính họ đang phải quyết định xem liệu FED vì chống lạm phát cao mà đang quá tay hãm đà tăng trưởng kinh tế không hay tần suất tăng lãi suất như thế thì đầu tư vào chứng khoán hay các kênh khác có lời hơn?
Họ thiên về đáp án nào thì được thể hiện rõ trên kết quả giao dịch.
Chúng ta thấy cùng lúc chứng khoán bị bán ra, dầu giao sau được mua vào khi có tin châu Âu định loại bỏ nguồn cung dầu từ Nga trong 6 tháng còn Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) không mặn mà bơm thêm dầu. Điều này đã khiến các nhà đầu tư dự báo rằng dầu thô trên thị trường thế giới sẽ còn tăng giá và sinh lời tốt trong thời gian tới.
PV: Có ý kiến cho rằng việc bán ra sẽ còn kéo dài do lo ngại nguy cơ xảy ra suy thoái với kinh tế Mỹ nếu FED tiếp tục tăng lãi suất với tần suất như dự kiến, khả năng này như thế nào?
Phóng viên Lê Tuyển: Các chuyên gia phố Wall đều cho rằng, chưa có nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong ít nhất năm nay. Dù quý 1 kinh tế Mỹ suy giảm 1,4% nhưng các quý tiếp theo đang được kỳ vọng tăng từ 3-3,6%.
Thông tin tốt là hôm nay báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy tháng tư vẫn có 428 ngàn việc làm mới được tạo ra, cao hơn kỳ vọng và cao hơn cả năm ngoái. Điều này càng cho thấy bước đi của FED là hợp lý khi kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.
Ngoài lãi suất, chứng khoán Mỹ thời gian tới sẽ còn chịu tác động bởi tình hình Nga -Ucraina, giá dầu, nguồn cung hàng hoá và cả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Theo thống kê của công ty tư vấn đầu tư CFRA thì các năm có bầu cử giữa kỳ chứng khoán Mỹ thường biến động hơn 40% so với mức trung bình của 3 năm còn lại. Nhưng cũng theo thống kê này thì quý cuối cùng của năm bầu cử giữa kỳ (tương ứng quý cuối năm nay) và 2 quý đầu năm tới, chứng khoán Mỹ lại thường bật tăng mạnh nhất trong chu kỳ nắm quyền của 1 tổng thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48010827070502202-od-cas-gnort-mihc-cut-peit-ym-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv