Theo tờ South China Morning Post ngày 6-5, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Tần Cương đã kêu gọi Washington ngừng chính trị hóa các vấn đề thương mại và xóa bỏ các mức thuế trừng phạt áp lên các sản phẩm của Trung Quốc.
"Virus chính trị"
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes, ông Tần nói một loại "virus chính trị" ở Mỹ, chẳng hạn như việc "lạm dụng an ninh quốc gia", đang gây tổn hại quan hệ kinh tế song phương.
Lý do là theo ông, hơn 1.000 công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại và các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Tần Cương. Ảnh: TÂN HOA XÃ |
"Các danh sách ngày càng dài hơn" - ông nói.
Tuy nhiên, ông đánh giá cao triển vọng hợp tác thương mại song phương những năm gần đây, bất chấp việc hai bên cạnh tranh gay gắt trên hầu hết lĩnh vực, bao gồm công nghệ cao, an ninh, không gian và hệ tư tưởng.
Ông nói rằng hai nước đã đạt được “những thành tựu đáng kể” về thương mại trong vài thập niên qua, và thương mại giữa hai nước đã “hoạt động tốt” vào năm ngoái, bất chấp đại dịch.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận về việc giảm thuế quan để giúp giảm lạm phát ở Mỹ đang diễn ra sôi nổi.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lưu ý rằng việc giảm thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc là “đáng được xem xét”.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hồi đầu tuần cũng thông báo rằng họ sẽ khởi động một đợt rà soát theo luật định trong 4 năm đối với các mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp lên các sản phẩm Trung Quốc vào năm 2018.
Đợt rà soát đầu tiên sẽ bao gồm các sản phẩm trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc từ tháng 7, sau khi thuế quan hết hiệu lực.
Theo một nghiên cứu vào tháng 3 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), việc loại bỏ thuế quan thời ông Trump, bao gồm cả thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, sẽ làm giảm lạm phát 1,3 điểm phần trăm.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, việc dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ trực tiếp làm giảm 0,3 điểm phần trăm chỉ số giá tiêu dùng.
Ông Tần cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc đối với thuế quan và lời kêu gọi đối thoại để giải quyết xung đột thương mại.
“Thuế quan rất tệ. Nó làm tổn thương Trung Quốc và Mỹ. Cuộc chiến thuế quan đã không làm giảm thâm hụt thương mại ở Mỹ. Nó đã khiến các gia đình Mỹ tiêu tốn 1.300 USD mỗi năm kể từ khi thuế quan có hiệu lực vào năm 2018” - ông nói.
Góc nhìn chuyên gia về triển vọng Mỹ-Trung cải thiện quan hệ song phương
Theo các nhà phân tích, Mỹ có khả năng loại bỏ một phần thuế quan. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào như vậy đều chủ yếu phục vụ lợi ích trong nước của nước này. Họ cũng tỏ ra không lạc quan về một sự cải thiện đáng kể trong quan hệ song phương.
Theo chuyên gia Trần Phượng Anh - thành viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, hầu hết sản phẩm đang được xem xét là hàng hóa sử dụng nhiều lao động, một số đã được đưa vào danh sách miễn thuế.
“Chúng tôi cần xem kết quả của cuộc đánh giá và xem liệu nó có bao gồm các sản phẩm chiến lược hay không" - chuyên gia Trần nói.
“Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tập trung cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, hơn là thương mại. Mỹ đang hướng tới việc tìm kiếm một liên minh về chip và xây dựng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương để đặt ra các quy tắc và tiêu chuẩn trong việc kiềm chế Trung Quốc" - bà nói.
“Đó là gót chân Achilles cho Trung Quốc. Washington biết điều đó và đã hạn chế đối thoại với Trung Quốc" - bà nói thêm.
Công ty Everbright Securities dự đoán quan hệ song phương tổng thể giữa các nước khó có thể cải thiện nhiều trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11, mặc dù Mỹ có thể dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc hơn.
“Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ gây áp lực với Trung Quốc về nhân quyền, hệ tư tưởng, các vấn đề Tân Cương và Đài Loan trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Họ sẽ tăng cường các phát ngôn nhắm vào Trung Quốc để thu hút cử tri phe diều hâu" - theo Everbright Securities.
Theo chuyên gia Trương Mặc Nam - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, Mỹ đã áp dụng một chiến lược thương mại mới, trong đó nước này "tách biệt có chọn lọc" và "nhắm chính xác" vào Trung Quốc.
Chuyên gia Trương cũng nói rằng chính quyền ông Biden đã kiềm chế Trung Quốc về trợ cấp công nghiệp, thương mại kỹ thuật số và các chính sách cạnh tranh. Người này cũng lưu ý rằng cơ hội để hai bên đạt được một cam kết có hiệu quả đang dần biến mất.