Xét nghiệm COVID-19 tại quận Đông Thành, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5-5 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Theo Hãng tin Reuters, sáng 7-5, giới chức Bắc Kinh đã mở đợt xét nghiệm COVID-19 mới tại Triều Dương, quận lớn nhất của thủ đô Trung Quốc và là nơi có nhiều đại sứ quán và tòa nhà văn phòng lớn.
Những cư dân ở các khu vực khác có ghi nhận ca F0 tại Bắc Kinh cũng cần làm xét nghiệm trong cuối tuần này.
Ngày 7-5, Bắc Kinh ghi nhận 45 ca bệnh có triệu chứng và 8 ca không triệu chứng trong 24 giờ, giảm so với 55 ca có triệu chứng và 17 ca không triệu chứng của ngày trước đó.
Bắc Kinh đang cố tránh một đợt bùng dịch lớn như Thượng Hải bằng cách thực hiện nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt, cấm phục vụ ăn uống trong nhà hàng tại nhiều quận và đóng cửa hơn 60 ga tàu điện ngầm tương đương khoảng 15% mạng lưới tàu điện ngầm của thủ đô.
Trong khi đó, ngày 7-5, Thượng Hải ghi nhận 253 ca có triệu chứng, chiếm phần lớn trong tổng 345 ca có triệu chứng tại Trung Quốc trong 24 giờ qua. Ngoài ra, thành phố này cũng báo cáo 3.961 ca không triệu chứng trong tổng 4.275 ca không triệu chứng của Trung Quốc.
Hơn 25 triệu dân của Thượng Hải đã sống trong cảnh phong tỏa hơn một tháng qua. Vài tuần gần đây, một số người dân ở những khu vực không có ca F0 đã được ra khỏi nhà, song phần lớn người dân thành phố vẫn không thể rời khỏi khu dân cư đang sống.
Các ca mắc mới của Thượng Hải giảm liên tục 8 ngày qua, cho phép thành phố đóng cửa một số bệnh viện dã chiến đã được gấp rút xây dựng trước đó khi số ca mắc mới theo ngày tăng đột biến.
Ngày 7-5, chính quyền Thượng Hải đã thông báo hoãn kỳ thi đầu vào đại học (gaokao) một tháng đối với các sinh viên của thành phố, sau khi cho biết Thượng Hải đang kiểm soát dịch tốt song vẫn chưa thể nới lỏng hoàn toàn các hạn chế. Lần gần nhất điều này xảy ra là vào năm 2020, trong đợt bùng dịch ban đầu.
Ngoài ra, Thượng Hải, cùng với những thành phố khác, cũng đang xây dựng hàng ngàn trạm xét nghiệm PCR cố định khi Trung Quốc muốn việc xét nghiệm COVID-19 trở thành một thói quen hằng ngày.
TTO - Khảo sát của Phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy chính sách 'Zero COVID linh hoạt' thiên về phong tỏa cứng rắn của Trung Quốc đã khiến các công ty châu Âu ít muốn tiếp tục đầu tư vào quốc gia này.