Vừa qua dư luận xôn xao chia sẻ về những tên đề tài luận án tiến sĩ mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn, đã đặt ra nhiều câu hỏi về về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết, Bộ này luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao vai trò phản biện, giám sát của cộng đồng khoa học đối với chất lượng các luận án tiến sĩ.
Bà Thủy khẳng định, quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất.
Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Về mặt hệ thống, Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học và thực hiện vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra. Bộ luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo; đồng thời, đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn… nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ…
Ngoài ra, gần đây dư luận cũng xôn xao về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có các vi phạm liên quan đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong giai đoạn 2015-2019, bà Thủy cho biết, thông báo Kết luận thanh tra số 638/TB-TTCP ngày 29 – 4 của Thanh tra Chính phủ gồm rất nhiều nội dung.
Nội dung đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trong thông báo đã chỉ ra: “Công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý đào tạo từ năm 2017 đến nay cơ bản thực hiện theo các quy định của Nhà nước” và “Trước năm 2017, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm (từ năm 2017 đến nay đã cơ bản được khắc phục)”.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn kiến nghị: “Yêu cầu Học viện Khoa học xã hội bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo”.
Về vấn đề này, năm 2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30 – 8 - 2021 và quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 – 6 - 2021. Các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nói chung và Học viện Khoa học xã hội nói riêng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình đào tạo căn cứ vào hai văn bản hướng dẫn này, đồng thời đảm bảo các yêu cầu tối thiểu quy định tại các quy chế.
Từ năm 2017 đến nay, Học viện Khoa học xã hội đã được thanh tra, kiểm tra bởi ba cơ quan chức năng: Bộ GD&ĐT, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ; do vậy, công tác tuyển sinh và đào tạo của Học viện thường xuyên được chỉ đạo, chấn chỉnh theo hướng đảm bảo đúng quy định và ngày càng cải tiến chất lượng.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, làm việc trực tiếp với Học viện Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để làm rõ các nội dung liên quan.
Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ này vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Bà Thủy khẳng định thêm, Bộ GD&ĐT luôn đánh giá cao quá trình giám sát, phản ánh và phản biện của xã hội, của cộng đồng khoa học.