Giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ghi nhận thị trường thế giới, trong tháng qua, giá bán lẻ phân bón trên thị trường Mỹ tăng. Phân DAP tăng mạnh nhất với 8% lên 1.047 USD/tấn. Tiếp đó là phân urê tăng 7% lên 1.017 USD/tấn, phân MAP tăng 6% lên 1.071 USD/tấn, phân kali tăng 4% lên 875 USD/tấn. Các loại phân lót, phân khô cũng tăng.
Trong khi đó, thị trường nội địa tháng 4 vừa qua, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg. Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp.
Chẳng hạn, giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc có mức 1,34 triệu đồng/bao (26.800 đồng/kg), phân DAP nội địa là 1,12 triệu đồng/bao (22.400 đồng/kg), phân kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), phân urê là 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg), phân NPK Cò Pháp mức 21.900 đồng/kg, phân NPK đầu trâu TE 22.000 đồng/kg, phân NPK Việt Nhật 19.000 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi phí phân bón chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với phân DAP và kali.
Nguyên nhân tăng do nguồn cung phân bón nói chung đang khan hiếm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Việc Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nga, trong đó có phân bón.
Ngoài ra, còn có hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga đã tác động thị trường phân bón thế giới, làm suy giảm nguồn cung, tăng giá. Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới, và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này trong khi đang vào vụ mùa sản xuất.
Để "hạ nhiệt" giá phân bón, mới đây Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị áp thuế xuất khẩu phân bón với urê, DAP, MAP nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, giảm khó khăn cho nông dân. Đồng thời, bộ kiến nghị kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón để đảm bảo nguồn cung nội địa trong tình hình khan hiếm như hiện nay.
TTO - Tình hình sản xuất nông nghiệp vừa trải qua 3 thách thức lớn để mang về trên 48 tỉ USD. Song, vấn đề giá vật tư leo thang, đại dịch COVID-19, chiến sự thế giới, giá dầu… được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn trong năm nay.