Trên khắp thế giới, dấu hiệu cảnh báo về một cuộc suy thoái liên tục xuất hiện.
Mỹ là một ví dụ. Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo trong thời gian qua trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ, phổ biến nhất là tăng lãi suất, nhằm hạ nhiệt lạm phát leo thang. Và những căng thẳng địa chính trị đang làm trầm trọng hóa thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, vốn bắt đầu từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2020.
“Chúng ta sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái nghiêm trọng”, các chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank cảnh báo trong tháng trước, dự báo chứng khoán Mỹ sẽ rơi vào thị trường giá xuống. Bank of America cho biết tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường tài chính đang xuống rất thấp. Goldman Sachs là một trong số không nhiều đơn vị mang triển vọng lạc quan, tuy nhiên, họ cũng cho biết rằng: Thị trường lao động tăng trưởng tốt “góp phần làm gia tăng rủi ro suy thoái”.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Anh cảnh báo hôm 5/5 rằng quốc gia này có thể sẽ phải đối diện với một “thảm họa kép” với lạm phát tăng lên ngưỡng 2 chữ số và nền kinh tế lâm vào suy thoái. Cơ quan này đã buộc phải nâng lãi suất thêm 0,25%.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn số 2 thế giới, đang “rung lắc”, và có nguy cơ kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Và cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho giá năng lượng và lương thực tăng mạnh tại châu u và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Nếu mang lịch sử làm tham chiếu, tình trạng lạm phát leo thang chính là dấu hiệu cảnh báo nền kinh tế sẽ sớm rơi vào suy thoái. Với chỉ một ngoại lệ duy nhất, mỗi cuộc suy thoái tại Mỹ kể từ sau thế chiến thứ 2 đều diễn ra sau một giai đoạn giá cả hàng hóa tăng cao, theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ.
Vậy, suy thoái là gì? Và liệu bạn có nên quá lo lắng về nó? Hãy cùng nhau tìm hiểu.
Suy thoái là gì?
Khái niệm suy thoái: Suy thoái là một giai đoạn nền kinh tế sụt giảm kéo dài. Một giai đoạn suy thoái thường được xác định thông qua việc nền kinh tế sụt giảm hai quý liên tiếp, thường được đo lường thông qua tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Tác động của suy thoái được cảm nhận rộng khắp trên nền kinh tế, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường chứng khoán giảm điểm, nền kinh tế trì trệ và thu nhập người lao động giảm. Người dân thường hạn chế chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, khiến cho tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.
Ví dụ, cuộc suy thoái bắt đầu từ năm 2007 chỉ kéo dài trong 18 tháng, nhưng tác động của nó lên người tiêu dùng thì tồn tại rất lâu dài.
Các chuyên gia kinh tế gọi tác động kéo dài đó, đặc biệt trên thị trường lao động, là “hiện tượng trễ”. Cuộc suy thoái năm 2020 không kéo dài, nhưng việc người lao động bị cho thôi việc hoặc nghỉ việc kéo dài, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển sang hình thức làm việc từ xa, đã làm thay đổi hoàn những quan niệm trước đó về giá trị và ý nghĩa công việc. Trên toàn thế giới, tình trạng người lao động bất mãn với chủ sử dụng lao động dẫn tới tỷ lệ xin nghỉ việc tăng cao, một hiện tượng mà nhiều người gọi nó với cái tên “Đại nghỉ việc”.
Fed đã không thể lường trước diễn biến của lạm phát, dẫn đến hành động quá muộn. Ảnh: Reuters.
Nguyên nhân suy thoái là gì?
Đây là một câu hỏi mà bạn phải mất rất nhiều thời gian mới có được câu trả lời. Nhưng hãy tập trung vào rủi ro lớn nhất hiện tại: cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Một trong những “thói quen” của hệ thống tư bản hiện đại đó là khi nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh, các cơ quan chức năng sẽ “cố tình” làm cho quá trình này chậm lại để có thể “cầm cương” được nó. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Mỹ và những gì mà Fed đang làm.
Trong ngày 4/5, Fed đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,5%, mức tăng mạnh nhất của tổ chức này sau 22 năm. Lãi suất là công cụ cơ bản của Fed nhằm kiểm soát lạm phát, hiện đang ở ngưỡng 8,5%, cao nhất sau hơn 40 năm.
Nhưng việc dự báo kinh tế tăng trưởng hoặc thụt lùi là điều không hề dễ dàng, và Fed không phải là “học sinh giỏi” trong “môn học” này. Khi không thể sớm nhận ra “nền kinh tế tăng trưởng quá nóng”, công việc còn lại của Fed trở nên vô cùng phức tạp.
Cơ quan này buộc phải nâng lãi suất đủ cao để có thể kéo giảm lạm phát. nếu như làm quá, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm sút, kéo nền kinh tế vào suy thoái. Còn nếu như làm không đủ, giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục gia tăng, và suy thoái cũng là hệ quả sau cùng.
Một kết quả ít tác động nhất là điều mà nhiều người mong muốn, qua đó, giá cả tiêu dùng giảm xuống trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định.
Chúng ta nên chuẩn bị gì?
Đầu tiên, chúng ta không nên hoảng loạn: Ngay cả khi suy thoái là không thể tránh khỏi, chúng ta cũng chưa thể biết mức độ nghiêm trọng của nó sẽ như thế nào. Nhưng sẽ không bao giờ là thừa nếu như chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia tài chính, giúp bạn có thể bảo toàn tài sản của mình.
Hãy tìm cho mình một công việc mới và gắn bó với nó: Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhiều cơ hội việc làm được mở ra, thị trường việc làm hiện tại đang vô cùng thuận lợi. Nhưng tình hình sẽ thay đổi rất nhanh khi nền kinh tế lâm vào suy thoái.
Tận dụng “cơn sốt” nhà ở: Nếu như bạn đang lưỡng lự về việc có nên bán ngôi nhà của mình, thì bây giờ chính là thời điểm chín muồi. Giá nhà tại Mỹ tăng gần 20% trong năm qua, nhưng hiện tại lãi suất thế chấp cũng đang tăng lên, sẽ khiến cho nhu cầu mua nhà giảm xuống.
Hãy để dành một khoản tiền mặt: Việc sở hữu các loại hình tài sản thanh khoản cao như tiền mặt luôn là một ý tưởng không tồi, nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết.
Và cuối cùng là lời khuyên cho các nhà đầu tư: Đừng để cảm xúc của bạn lấn át lý trí. “Hãy đầu tư và theo đuổi triết lý đầu tư của bạn”, theo chuyên gia Mari Adam. “Lịch sử cho thấy rằng những gì chúng ta nghĩ về thị trường đều không chính xác. Cách tốt nhất để có thể đạt được những mục tiêu dài hạn là tiếp tục đầu tư và không được nao núng”.
Theo Trọng Đại
NDH
Xem thêm: nhc.21330759190502202-naol-gnaoh-gnud-gnuhn-ohc-curt-gnad-iaoht-yus-or-iur/nv.zibefac