Công an quận Thanh Xuân đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với lái xe ô tô BKS 30F-59xxx về hành vi "Điều khiển xe đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển".
Trước đó, trang Facebook Công an thành phố Hà Nội nhận được clip phản ánh của người dân về việc vào ngày 21/3/2022, xe ô tô BKS 30F-59xxx đi vào phố Giáp Nhất, chiều có biển cấm ô tô, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội Cảnh sát giao thông đường trật tự, Công an quận Thanh Xuân, đã mời lái xe vi phạm đến trụ sở để làm rõ vụ việc. Ngày 22/4/2022, tại cơ quan Công an, lái xe là chị P (SN 1987; trú tại: Đống Đa, Hà Nội) đã thừa nhận hành vi vi phạm như clip phản ánh.
Công an quận Thanh Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định đối với lái xe về hành vi "Điều khiển xe đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển".
Theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), thì mức xử phạt đối với hành vi này của lái xe là 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Việc người dân có thể cung cấp video vi phạm cho cơ quan CSGT để báo cáo các cá nhân vi phạm hoàn toàn được công nhận.
Trong buổi phỏng vấn trực tuyến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được VnExpress tổ chức chiều ngày 6/4, khi trả lời câu hỏi "Hình ảnh từ camera hành trình của một xe có được lấy làm cơ sở để phạt nguội các xe vi phạm khác không và người có hình ảnh thì gửi đến đâu để công an phạt xe vi phạm đó?", Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) - đã cho biết phía cục đang đề xuất cơ chế trả tiền cho người gửi video vi phạm giao thông, đồng thời sẽ có cổng thông tin tiếp nhận và xác minh.
Ngoài ra, đại tá Bình còn cho biết, cơ chế này đã có ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, họ đã thành cái văn hoá ghi hình và gửi cho nhà chức trách. Ví dụ, nếu xử phạt được người vi phạm, người ghi hình sẽ được trả bao nhiêu phần trăm trong số tiền đó. Nhưng quan trọng nhất là phải xác minh để người vi phạm khâm phục khẩu phục.
Đây là thông tin thú vị và đáng chú ý khi những người bức xúc về các tình huống giao thông có thể gửi hình ảnh hoặc video về vụ vi phạm đến cơ quan để được xử lý và thậm chí có thể nhận được khoản chi phí nhỏ nếu được xác minh chính xác.
Thông tin rõ ràng hơn về việc CSGT sẽ được phép sử dụng thông tin do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông có thể tìm thấy trong Nghị định 135/2021/NĐ-CP, hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định về danh mục, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, xử lý dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, sẽ là căn cứ pháp lý để thực hiện việc này.
https://cafef.vn/camera-chay-bang-com-duoc-dip-chay-het-cong-suat-cong-an-quan-thanh-xuan-xu-phat-lai-xe-o-to-di-vao-duong-cam-thong-qua-tin-bao-facebook-2022050914152669.chnTheo Khánh Vy
Pháp luật & Bạn đọc