Tháng 4 - tháng 5 vẫn là giai đoạn "nóng" của thị trường chứng khoán khi vừa là mùa công bố kết quả kinh doanh quý I vừa là mùa tổ chức Đại hội cổ đông, nơi có các câu hỏi thẳng thắn của nhà đầu tư dành cho doanh nghiệp, và với nhiều doanh nghiệp là thời điểm duy nhất trong năm lãnh đạo sẽ có sự xuất hiện trước truyền thông và trả lời trực tiếp câu hỏi của cổ đông.
Ngân hàng là một trong những ngành nhận được nhiều quan tâm, nhất là từ câu chuyện liên quan đến việc bình ổn, lành mạnh hoá thị trường trái phiếu gần đây hay là mối quan tâm về tiềm ẩn nợ xấu khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau thời kỳ ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trước các câu hỏi từ cổ đông, đại diện ngân hàng đều có những khẳng định khiến cổ đông an tâm.
Hình minh họa.
Ngoài ra, ngân hàng cũng là ngành có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu khá mạnh tay trong năm nay để tăng vốn, Techcombank như thường lệ vẫn là bên rất "kiệm" chia cổ tức cho cổ đông nhưng theo lãnh đạo ngân hàng này, bối cảnh hiện tại, không phải cứ chia cổ tức là tốt
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, cho biết: "Đâu phải đi chia cổ tức bằng cổ phiếu là giá trị doanh nghiệp tăng lên, giá trị vẫn cứ như vậy. Có ý kiến bảo chia xong rẻ giá lại tăng, tôi rất tôn trọng các quan điểm như vậy nhưng theo tôi chia xong là pha loãng, là hạ giá cổ phiếu tương ứng, giá trị doanh nghiệp có tăng lên đâu, chia xong đi trả thêm 5% thuế thu nhập cá nhân. Lúc này, tôi không nhìn thấy giá trị từ việc này cho ngân hàng và cổ đông".
Một vấn đề mà không khỏi khiến các cổ đông trăn trở dù là ở đại hội của ngân hàng hay là doanh nghiệp niêm yết đó là câu chuyện giá cổ phiếu đang giảm quá mạnh. Đại hội cổ đông thường là thời điểm để bàn về triển vọng kinh doanh nhưng năm nay, hầu như không có đại hội nào là không có những lời ca thán về giá cổ phiếu.
Cổ đông liên tục chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về giá cổ phiếu
Đại hội cổ đông của các công ty chứng khoán đang là nơi nhận được nhiều câu hỏi nhất về thị giá, hơn 1 tháng qua, đây là 1 trong những ngành có giá cổ phiếu rơi mạnh nhất. Khỏe như VND cũng mất 37%, còn phổ biến là 50-60% và ngay cả một trong những doanh nghiệp đầu ngành là SSI sau phiên giảm sàn ngày 9/5 đã chính thức rớt 53% từ đỉnh.
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhẹ nhàng trong việc trấn an và tìm sự thông cảm từ cổ đông nhưng 1 số doanh nghiệp, việc nhận được nhiều những câu chất vấn về giá cổ phiếu khiến họ không khỏi phiền lòng vì họ cũng không biết trả lời thế nào về sự "thất thường" của thị trường.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, nói: "Chúng tôi đảm bảo về cổ tức, về giá trị kinh doanh lâu dài còn tăng nóng như các cổ phiếu khác thì tôi xin lỗi chúng tôi không làm được. Ai ngắn hạn đầu cơ thì nên bán đi vì không phù hợp, nhường chỗ cho những nhà đầu tư trung và dài hạn".
Doanh nghiệp càng đông cổ đông nhỏ lẻ thì càng đau đầu với những câu chất vấn. Ví dụ như BCG - Bamboo Capital với 37.000 cổ đông, trước những chất vấn sao lãnh đạo bảo doanh nghiệp tốt nhưng giá cổ phiếu rơi không mua vào, lãnh đạo trả lời: Chúng tôi không phải trader!
Nghệ thuật đặt kế hoạch kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp
Mùa đại hội cổ đông năm nay cũng là thời điểm có nhiều câu phát biểu khá "chất" từ phía các lãnh đạo doanh nghiệp, một trong số đó là của lãnh đạo doanh nghiệp Coteccons (CTD). Chủ tịch công ty này chia sẻ là nhận rất nhiều tin nhắn than phiền và thậm chí là giận dữ từ phía các cổ đông, tóc ngày càng bạc đi từ hồi làm chủ tịch.
Lý do phải chịu nhiều gạch đá như vậy là do Chủ tịch Coteccons… thật thà. Nhìn được bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao gây thách thức cho ngành xây dựng, vị lãnh đạo người nước ngoài này chỉ dám đặt lợi nhuận 2022 vỏn vẹn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngày như Hòa Bình hay Fecon đặt kế hoạch lợi nhuận tự tin tăng 200-300% dù không biết có hoàn thành được không, như Fecon quý I đã lỗ.
Hay Vinhomes đặt kế hoạch giảm tăng trưởng lợi nhuận 23% trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS nhỏ hơn lại đang tự tin. Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investments, chia sẻ: "Tôi nghĩ doanh nghiệp lớn người ta đặt kế hoạch thận trọng là đúng vì bối cảnh vĩ mô biến động nhiều, năm nay, bất động sản sẽ khó bán hàng hơn vì dùng đòn bẩy sẽ khó hơn, Vinhomes đặt kế hoạch thận trọng là phù hợp còn doanh nghiệp nhỏ họ lạc quan hơn vì có thể họ có "mục đích khác"".
Phần lớn các chủ doanh nghiệp lớn đều thẳng thắn nhìn nhận lúc này các ngành nghề mà chi phí đầu vào nặng về nguyên liệu đều sẽ có 1 năm 2022 kém khả quan do diễn biến lạm phát, giá cả hàng hóa leo thang trên toàn cầu nhưng không phải là 1 câu chuyện lớn để thay đổi các giá trị nền tảng của doanh nghiệp.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc, CTCP Tập đoàn Masan, nhận định: "Việc chi phí tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó không riêng gì là thách thức với Masan mà là cả cộng đồng doanh nghiệp, để bảo chúng tôi có giải pháp giải quyết triệt để gì ngay bây giờ thì câu trả lời là "Không" nhưng chúng tôi cũng đang nỗ lực làm việc với các bên để ổn định vấn đề logistic, tìm các nguồn cung ứng nội địa thay thế".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.72832915001502202-gnod-oc-ioh-iad-aum-gnourt-ioh-gnon-mal-ioh-uac-ueihn/et-hnik/nv.vtv