Từ ngày 6 đến 12-5, Sở Văn Hóa - Thể Thao và Du lịch 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang phối hợp cùng Công ty Du lịch Vietravel đã tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch mới "Huyền thoại sông Gâm" gồm đại diện cơ quan du lịch các tỉnh phía Nam và cơ quan truyền thông.
Trong bối cảnh ngành du lịch bắt đầu khôi phục trở lại sau đại dịch, liên kết hợp tác để phát triển du lịch bền vững là xu hướng tất yếu. Thông qua việc liên kết, doanh nghiệp với các địa phương sẽ cùng xây dựng định hướng mới trong phát triển du lịch tại điểm đến; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên, cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú…
Hà Giang, Tuyên Quang là những điểm đến ở vùng Đông, Tây Bắc với những vẻ đẹp riêng, có sự độc đáo và đặc trưng trong nét văn hóa, đời sống và ẩm thực của người dân bản địa.
Du khách tham quan Đình Tân Trào, thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cây Đa Tân Trào, Tuyên Quang
Du khách được chèo thuyền mảng và nghe hát then, đàn tính của người Tày trên lòng hồ Nà Nưa, Tuyên Quang. Đây là sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác không chỉ để tăng trải nghiệm cho du khách, tìm hiểu văn hóa của người bản địa mà còn giúp người dân địa phương cùng tham gia vào hoạt động du lịch
Theo ghi nhận thời gian gần đây, lượng du khách đến Hà Giang, Tuyên Quang đang hồi phục trở lại, trong đó có cả khách quốc tế. Đặc biệt, nhiều khách nước ngoài đến Hà Giang để khám phá những cung đường mới, sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết hiện ngành du lịch tỉnh đang triển khai các hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm mới theo nhu cầu thay đổi của du khách sau đại dịch. Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Hà Giang xây dựng các dòng sản phẩm du lịch chính gồm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…
Hà Giang đã liên kết với các tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, TP HCM trên cả nước để cùng xây dựng sản phẩm du lịch mới nhưng vẫn mang đặc trưng của tỉnh để tăng thêm giá trị gia tăng và thu hút du khách trong và ngoài nước.
Du khách chào cờ trên đỉnh Lũng Cú, Hà Giang, một trong những điểm du lịch nổi tiếng không thể bỏ qua khi tới vùng đất này.
Một điểm check-in trên đỉnh Mã Pì Lèng, Hà Giang, bên dưới là dòng sông Nho Quế xanh biếc và hẻm núi Tu Sản nổi tiếng
Nhảy sạp ở Mèo Vạc, Hà Giang
Theo ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, địa phương này rất chú trọng phát triển du lịch và đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển đột phá trong thời gian tới. Các khu du lịch, điểm đến ở tỉnh đang tăng cường quảng bá, xúc tiến, đồng thời mở rộng cơ sở lưu trú, hạ tầng và dịch vụ để đón tiếp du khách tốt hơn. Gần đây, du khách đến với Tuyên Quang nhiều hơn và tỉnh cũng phát động Năm du lịch quốc gia tại Tuyên Quang. Bốn tháng đầu năm 2022, địa phương này đón hơn 700.000 lượt khách và năm nay mục tiêu sẽ đón trên 2 triệu lượt khách (cả trong nước và quốc tế).
Về phía doanh nghiệp du lịch, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel, cho biết từ những lợi thế riêng có của Hà Giang, Tuyên Quang, đơn vị đã xây dựng sản phẩm "Huyền thoại sông Gâm" với những cung đường khám phá mới nhằm kết nối các điểm du lịch đặc biệt, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm mới của du khách.
Nhóm khách du lịch đến từ Anh, cho biết sẽ ở Việt Nam trong vòng 4 tuần để khám phá các điểm đến nổi tiếng, trước khi đi tiếp tới Campuchia và Thái Lan trong hành trình 6 tuần của mình. Các du khách dừng chân tại Clay Housebản Pả Vi - Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang
Du khách trải nghiệm ở Thác Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang - một điểm tham quan mới được các công ty du lịch như Vietravel đưa vào lịch trình gần đây.
Bắt đầu đưa vào đón khách từ tháng 10-2020, đến khoảng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 xảy ra khiến homestay Tom’s Du Già (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, sau đại dịch, điểm đến này đã có khách trở lại, cả trong nước và quốc tế khi những cung đường khám phá ở xã Du Già, huyện Yên Minh thu hút sự quan tâm của cả khách nội địa lẫn quốc tế (nhất là nhóm khách đi phượt, khám phá).
Một góc homestay Tom's Du Già nhìn từ trên cao
Anh Nguyễn Văn Nam, quản lý của Tom’s Du Già, cho biết homestay của anh có thể đón tối đa 60 khách và lượng khách phục hồi trở lại sau khi ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn. Homestay này kỳ vọng có thể phục hồi 70% lượng khách so với trước dịch và đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô để đón đầu du lịch phục hồi.