Đại hội cổ đông Vinamilk ngày 26/4 đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất cho năm 2022 là 64.070 tỷ đồng, tương đương 15% so với cùng kì. Mục tiêu 5 năm tới, Vinamilk chiếm 63% doanh số ngành sữa. Đâu sẽ là các điểm tựa tăng trưởng cho doanh nghiệp này?
Tạo đà từ tiềm năng ngành sữa
Trong ngắn hạn, khi cuộc sống bình thường mới quay trở lại, các doanh nghiệp tiêu dùng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc thu nhập của người tiêu dùng cải thiện, sức mua không còn chịu nhiều áp lực như thời kỳ Covid-19 bùng phát.
Đại dịch cũng thay đổi hành vi tiêu dùng với sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng thực phẩm, đồ uống tốt cho sức khỏe. Theo báo cáo tháng 8/2021 của Vietnam Report, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tăng miễn dịch dự kiến tăng khoảng 36% đến khi có miễn dịch cộng đồng. Theo đại diện Vinamilk, những yếu tố này là cơ hội phát triển, mở rộng quy mô cho Vinamilk - doanh nghiệp hiện có lợi thế nhờ thị phần áp đảo trong nước.
Ngành sữa Việt Nam có nhiều dư địa phát triển trong tương lai theo ý kiến một số chuyên gia.
Về trung - dài hạn, ngành sữa cũng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, khi tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực (23,2 kg mỗi người hàng năm so với 31,7 kg ở Thái Lan và 43,7 kg ở Hàn Quốc).
Euromonitor cho biết 13 triệu dân số Việt Nam sẽ nằm trong độ tuổi trên 65 vào năm 2030, sức mua của họ dự báo tăng nhanh nhất trong tất cả các nhóm tuổi (tăng cao hơn cả Gen Z) với mức trung bình 5% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2030. Kết hợp với việc quan tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhóm đối tượng này ngày càng cao, đây sẽ là một động lực tăng trưởng không nhỏ cho ngành sữa. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng thực phẩm dinh dưỡng nói chung, bao gồm cả các loại sản phẩm khác như sữa hạt, nước trái cây… đều ghi nhận đà tăng trưởng tích cực.
Tại Đại hội cổ đông, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cũng cho biết ở Việt Nam mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra và đây cũng là đối tượng sử dụng sữa thường xuyên nhất trong những năm đầu đời. Cơ cấu về dân số thay đổi nhưng theo xu hướng tăng trưởng, cùng với đó là GDP tăng sẽ là các nền tảng cho sự tăng trưởng.
Đảm bảo năng lực cung ứng, sản xuất mọi thị trường
Vinamilk hiện đang có 1 hệ thống 13 trang trại trải dài trên cả nước kết nối với 13 nhà máy tạo thành chuỗi sản xuất chặt chẽ trên cả nước. Chiến lược này đồng thời giúp Vinamilk linh động điều phối, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021.
Báo cáo của TGĐ Vinamilk tại đại hội cổ đông cũng cho biết năm 2021, kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị về cơ bản đã được hoàn thành tại tất cả các nhà máy, để gia tăng năng lực sản xuất của các dòng sản phẩm chủ lực, đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu trong các năm tới.
Toàn bộ nhà máy và trang trại tại Vinamilk định hướng theo các tiêu chuẩn khắt khe toàn cầu, gồm: tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, tiêu chuẩn hữu cơ Organic Châu Âu (đối với trang trại), FDA Organic Trung Quốc, ISO 9001 (đối với nhà máy)…
Tuy đã sở hữu năng lực sản xuất lớn, doanh nghiệp vẫn đầu tư thêm các dự án mới như siêu dự án Tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào với tổng quy mô hai giai đoạn lên đến 100.000 con. Vinamilk đang nghiên cứu dự án tổ hợp gồm nhà máy và kho hàng lớn tại phía Bắc hay các dự án trang trại, nhà máy cùng công ty thành viên Mộc Châu Milk. Từ các hướng đi này, Vinamilk thể hiện nỗ lực mở rộng quy mô ngành sữa nội địa, đồng thời đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu.
Hướng đi cho các hoạt động kinh doanh mới
Trong năm 2021, Vinamilk đã công bố hai liên doanh mới. Trong nước, đơn vị hợp tác với KIDO, tấn công thị trường thức uống tươi. Tại Philippines, hãng bắt tay đối tác Del-Monte để mở rộng khai thác thị trường sữa và sản phẩm từ sữa.
Sữa đậu xanh Oh Fresh - Sản phẩm của liên doanh giữa Vinamilk và Kido.
Với các kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua và Q1/2022 từ các công ty ở nước ngoài của Vinamilk như AngkorMilk (Campuchia) hay Driftwood (Mỹ), liên doanh tại Philippines cũng đang được kỳ vọng đạt kết quả tốt. Theo đánh giá của doanh nghiệp này, Philippines là một thị trường đông dân với quy mô ngành sữa tương đương Việt Nam, trong đó nhóm khách hàng mục tiêu là trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 33%. Đại diện liên doanh cho biết, sau khi tung ra thị trường tháng 11/2021, sản phẩm hiện phân phối ở gần 50.000 điểm bán lẻ ở ba đảo chính của Philippines.
Lễ ký biên bản ghi nhớ cho dự án bò thịt trị giá 500 triệu USD tại Nhật Bản vào tháng 11/2021.
Một số dự án được HĐQT Vinamilk chia sẻ tại ĐHCĐ vừa qua và sẽ được công ty đẩy mạnh như: Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu do Vinamilk cùng Mộc Châu Milk, theo mô hình trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, dự án Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại Mộc Châu - Sơn La; Dự án tổ hợp nhà máy sữa phía Bắc để đáp ứng nhu cầu phát triển của Công ty trong dài hạn. Trang trại số 1 thuộc Tổ hợp Trang trại bò sữa Lao-Jagro quy mô 8.000 con sẽ đi vào hoạt động trong năm nay nhằm tăng cường nguồn nguyên liệu sữa tươi cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Vinamilk đã bắt đầu mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Cụ thể như dự án kinh doanh bò thịt hợp tác với đối tác Sojitz - một trong những tập đoàn đa ngành lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh của Nhật Bản. Trong đó, giai đoạn một của dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 có quy mô công suất là khoảng 30.000 bò thịt hàng năm, doanh thu năm đầu tiên dự kiến 2.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá mảng thịt bò sẽ giúp Vinamilk tận dụng tốt những lợi thế sẵn có và mang về cho doanh nghiệp những nguồn thu mới. Đây vẫn được xem là mảng tiềm năng khi có tốc độ tăng trưởng ổn định nhưng còn khá phân mảnh và chưa có người dẫn đầu thị trường. Sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng với tốc độ hai con số từ 2023 - 2024 trở đi.
https://cafef.vn/diem-tua-tang-truong-tiep-theo-cua-vinamilk-la-gi-20220509173358311.chnTheo An An
Nhịp Sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.1931820101502202-ig-al-klimaniv-auc-oeht-peit-gnourt-gnat-aut-meid/nv.zibefac