Một chiếc đò dọc Vĩnh Thuận - Ảnh: NVCC
Hình ảnh những con đò trên sông, những ánh đuốc lá dừa lập lòe gọi đò đêm, những chiếc nón lá vẫy vẫy đôi bờ với tiếng gọi "đò ơi"... vẫn hằn sâu trong ký ức thân thương bao người.
Thị trấn huyện lỵ Cái Bè (Tiền Giang) nằm trên doi đất rất lớn, ba phía đông, nam, bắc được bao bọc bởi sông Tiền và sông Cái Bè. Phía tây, từ thị trấn ra đến quốc lộ 1 phải 4 - 5km. Suốt nhiều thập niên, đò chở khách là phương tiện chủ lực của vùng đất này. Trong các con đò hằng ngày cập bến Cái Bè, ba chiếc đò lớn với bảng tên Vĩnh Thuận hoạt động lâu đời và nổi tiếng nhất.
Một thời ngược xuôi sông nước
Ông Võ Thanh Phong, sinh năm 1970, hậu duệ đời thứ ba của Hãng đò Vĩnh Thuận, tâm sự cái tên Vĩnh Thuận ngày xưa xuất phát từ miệt rừng U Minh Thượng xa xôi xứ Kiên Giang. Ông Phong nhớ lại: "Từ nhỏ tui đã nghe cha tui là ông Võ Văn Tứ kể hồi Pháp thuộc, ông nội tui là ông Võ Văn Nhờ cùng anh em sắm ghe buồm đi từ Cái Bè xuống vùng Vĩnh Thuận mua than đước chở về Sài Gòn bán. Thời gian xuôi ngược chống chèo mua bán than, ông nội tui bàn bạc với anh em bỏ nghề mua bán than đước, chuyển qua chạy đò chở khách".
Khoảng năm 1955 - 1956, đò khách Vĩnh Thuận xuất hiện trên sông Cái Bè, bến chính đặt tại ấp An Ninh, đối diện chợ thị trấn Cái Bè. Ông Phong cầm lái đò Vĩnh Thuận từ năm 18 tuổi (1988), nhưng không rành lúc đò Vĩnh Thuận mới hoạt động thì ông nội mình chạy những tuyến đường nào.
Khi ông Phong bắt đầu hiểu biết thì ba chiếc đò khách lớn chỉ chạy một tuyến duy nhất là chợ Cái Bè - chợ Vĩnh Long. Hai chiếc sơn xanh là của ông nội ông Phong, chiếc còn lại sơn vàng nghệ là của ông Võ Văn Chót, em út ông nội. Cái tên Vĩnh Thuận được chọn để lưu nhớ tháng ngày cực khổ chèo chống ghe mua bán than đước.
"Con đò rộng 3m, dài 19m, trọng tải 20 tấn, đóng hoàn toàn bằng gỗ sao, trị giá 20 cây vàng. Ghế cho khách ngồi là hai dãy băng làm bằng những thanh gỗ nhỏ dọc theo vách đò. Người lái đò ngồi phía trước bên phải, cuối đò là hầm máy, khoang nghỉ của chủ đò, có cả khu vệ sinh ở đuôi đò. Hai mạn đò treo cả chục vỏ bánh xe hơi cũ chống va đập.
Sáng 8 giờ, đò xuất phát từ bến thị trấn Cái Bè, chạy ra sông Tiền ngược về hướng Vĩnh Long. Hồi đó đò chạy như xe buýt ngày nay. Ngoài đón khách ở các bến quen thuộc, dọc đường thấy ai đứng trên bờ kêu "đò ơi" hoặc vẫy nón lá, vẫy khăn thì ghé vào rước. Khoảng 10 giờ đò cập bến chợ Vĩnh Long, 12 giờ 30 xuất phát về lại chợ Cái Bè. Lắm chuyến phải đón cả trăm khách, nhiều người leo cả lên mui đò để ngồi hóng mát", ông Phong nhớ lại.
Sau ngày 30-4-1975, đò Vĩnh Thuận vào hợp tác xã và được điều động chạy chở khách, chở hàng hóa ở nhiều tuyến đường thủy lưu vực sông Tiền. Ông Phong nhớ trong những năm từ 1980 đến sau năm 2000, ngoài tuyến chợ Cái Bè - chợ Vĩnh Long truyền thống, đò Vĩnh Thuận được điều động chạy các tuyến Cái Bè - Mỹ Tho, Chợ Lách (Bến Tre) - Mỹ Tho, Cái Bè - Chợ Lách, và xa nhất là các tuyến Cái Bè - Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang), Cái Bè - Tân Châu (An Giang).
Sau trận lụt lớn năm 2000, đường sá, cầu cống được xây dựng nhiều, giao thông đường bộ dần phát triển nên đò ngày càng vắng khách. Nhiều con đò như Tân Thành Vĩnh Long, Tân Hoàng Long Bến Tre chấm dứt hoạt động. Nhưng đò Vĩnh Thuận vẫn cố gắng cầm cự, chạy ngang dọc khắp nơi, dù chỉ chở hàng hóa và chủ hàng. "Năm 2005, khi tui xuất bến từ Chợ Lách Bến Tre đi Mỹ Tho mà trên đò chỉ có duy nhất một hành khách, không có hàng hóa, thì dù rất buồn nhưng gia đình tui phải quyết định cho Vĩnh Thuận chính thức nghỉ hưu", ông Phong cười buồn, nói.
Ông Phong lái đò Vĩnh Thuận chở khách thập niên 1990 - Ảnh: NVCC
Chuyện lạ đò khách ngày xưa
Nhắc chuyện đò Vĩnh Thuận, bà Võ Thị Châu (sinh năm 1949, con gái út của chủ đò Vĩnh Thuận, cô thứ bảy của ông Phong) cho biết nghề đò khách ngày xưa có nhiều chuyện bây giờ nhớ lại thì thấy... mắc cười. "Hồi đó chạy đò ban đêm thì người ta có cách đón đò rất lạ. Tín hiện gọi đò ban đêm ngày ấy là những ánh đuốc lá dừa bập bùng ven sông. Nếu thấy ánh đuốc đứng yên là khách không đón, đuốc quơ ngang dọc cháy sáng bùng bùng là khách ra hiệu gọi đò, phải ghé vào rước", bà Bảy Châu nhớ lại.
Nhưng theo bà Bảy Châu, những năm chạy đò trước ngày 30-4-1975, chuyện mắc cười nhất là việc liên lạc giữa người lái đò và người thợ máy. Khi đò chạy, người lái đò chỉ làm mỗi nhiệm vụ điều khiển bánh lái cho con đò chạy thẳng hoặc rẽ trái, rẽ phải. Phía sau đò, một người thợ máy phải ngồi trực xuyên suốt, có nhiệm vụ điều khiển cần số cho tàu chạy tới, de lui, về số 0, tăng giảm ga theo hiệu lệnh của người lái tàu.
Tín hiệu liên lạc giữa người lái tàu và người thợ máy là một chiếc chuông lớn, làm bằng vỏ đạn cối, nối bằng một sợi dây từ buồng máy ra chỗ người lái tàu. Người lái tàu giật chuông một tiếng, người giữ máy phải vào số cho tàu chạy tới, giật 2 tiếng thì cho tàu vào số lùi, giật 3 tiếng thì trả số về 0, giảm ga. Muốn tăng ga, sau khi giật chuông báo hiệu cho thợ máy vào số tới hoặc số lùi, người lái tàu phải giật chuông liên tục để thợ máy biết.
"Nhưng có nhiều lúc trớn tàu ghé vào bờ quá nhanh, người thợ máy đã gài số lùi mà tàu vẫn ủi tới dù lái tàu đã giật chuông liên tục. Có nhiều khi, đò đang chạy giữa sông, người lái cần tăng ga để chạy nhanh hơn hoặc giảm ga để ghé vào bờ đón khách, giật chuông hoài mà người giữ máy vẫn không phản ứng. Xuống kiểm tra, hóa ra người giữ máy đã ngủ khì trong tiếng máy nổ đều đều và những ngọn gió mát giữa sông. Sau năm 1975, các thợ máy nghiên cứu cải tiến, đưa dây ga, cần số từ máy ra đến chỗ người lái tàu, chấm dứt chuyện giật chuông leng keng để có người vào số, tăng giảm ga", bà Bảy Châu kể.
Hỏi bà Bảy Châu tại sao rành rẽ nhiều chuyện về đò khách, bà Bảy cười hiền hậu, nói: "Không phải tui nghe cha tui kể lại đâu, mà tui chính là dân trong nghề. Tui theo phụ việc cho cha chạy đò khách, nhiều năm ngồi nghe chuông, sang số, tăng giảm ga, sau đó học lái đò, điều khiển đò chạy khắp nơi đón khách lúc cha tui bận việc.
Nói thiệt, tui có bằng lái để chạy đò khách từ năm 17 tuổi, sau năm 1975 thi lấy bằng thuyền trưởng hạng 3. Tới giờ, nhiều lúc tui vẫn tự mình điều khiển đò chở khách du lịch sông nước phụ con cháu".
Nhắc chuyện đò xưa, ông Nguyễn Văn Tạo (51 tuổi, quê cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) kể: "Xứ tui nằm giữa sông Tiền, ngày trước giao thông cách trở, muốn đi đâu cũng nhờ đò. Hồi đó gia đình tui đi chợ Cái Bè, tui qua thị trấn Cái Bè học cấp III, thường đi đò Vĩnh Thuận. Đò Vĩnh Thuận lớn, chạy êm ít bị sóng nhồi lắc, đám học trò tụi tui rất thích leo lên mui ngồi cho mát, chỉ khi nào trời mưa mới chịu xuống khoang. Giờ xứ tui xe chạy khắp cù lao, lâu lâu ngồi uống trà nghe tiếng ghe máy chạy rì rầm dưới sông Tiền, lại nhớ đò xưa".
------------------------
Từ năm 1966, bà Bảy Châu đã là cô gái lái đò máy chở khách duy nhất trên lưu vực sông Tiền, và cũng là người phụ nữ duy nhất ở Cái Bè có bằng lái tàu sông của hai chế độ.
Kỳ tới: Người đàn bà gần 60 năm lái đò dọc
TTO - Tui giờ đã 30 năm lẻ xa bưng, xa xóm giồng chợ có mấy anh hai lúa và các bà các cô bán hàng lời ăn tiếng nói chơn chất như ngọn cỏ củ khoai mà nghe "cưng mắc chết".