Mới đây, CTCK BSC đã công bố báo cáo triển vọng ngành quý 2/2022. Theo đó, báo cáo nhận định, các chỉ tiêu kinh tế hiện tại của Việt Nam cho thấy kinh tế Việt Nam đang ở trong cuối giai đoạn tiền tăng trưởng giao thoa với giai đoạn hậu tăng trưởng. Dấu hiệu nhận biết điển hình như lạm phát bắt đầu tăng, lãi suất huy động có xu hướng dài hạn đã chạm đáy và đang bắt đầu tăng lại, Chính phủ bắt đầu các chính sách thắt chặt kinh tế, giá cổ phiếu dao động quanh đỉnh.
Các chuyên gia của BSC nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức khả quan theo đó nhiều nhóm ngành nghề tiếp tục hưởng lợi xu thế phục hồi hậu Covid-19. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng; các hiệp định thương mại và sự hồi phục của tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Trong tháng 4/2022, hoạt động kinh doanh diễn ra khá suôn sẻ. Các doanh nghiệp vẫn đang trên đà hồi phục khi số lượng quay trở lại kinh doanh ngày càng cải thiện. Lũy kế đến tháng 4/2022, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,57% so với cùng kỳ, mức này cao gấp 2 lần mức tăng trưởng bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.
Trước những thông tin vĩ mô trong và ngoài nước, cùng những chính sách sửa đổi bổ sung quy định mới sẽ có tác động trái chiều với nhiều mức độ khác nhau lên thị trường chứng khoán nói chung, các doanh nghiệp nói riêng, báo cáo của BSC đã thống kê các chính sách, sự kiện quan trọng đáng lưu ý trong năm 2022.
Đối với chính sách vĩ mô và kinh tế quốc tế, BSC cho rằng, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất 3 lần trong 2022 sẽ là một yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Ngược lại, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, RMB tăng giá trị sẽ là một yếu tố tác động tích cực tới thị trường Việt Nam.
Với chính sách vĩ mô và kinh tế trong nước, các sự kiện vĩ mô như gói kích thích kinh tế của Chính phủ , Luật chứng khoán sửa đổi sẽ là những thông tin đang tác động mạnh đến thị trường theo chiều hướng tích cực.
Ngoài ra, một số thông tin khác như: sửa đổi luật đầu tư, luật doanh nghiệp; Việt Nam nâng hạng thị trường sơ cấp FTSE Russelll; hay một số chính sách về chứng khoán (Cho phép bán chứng khoán chờ về; Chứng chỉ lưu kí, chứng chỉ lưu kí không quyền biểu quyết; Niêm yết và tăng vốn tại các NHTMCP) cũng được dự báo sẽ có tác động tích cực, với mức độ ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.
Với những thông tin xoay quanh việc giá thực phẩm, giá xăng tăng, báo cáo đánh giá, dù ảnh hưởng tiêu cực nhưng mức độ ảnh hưởng của thông tin này lên thị trường chỉ ở mức trung bình.
https://cafef.vn/chuyen-gia-chi-ra-muc-do-anh-huong-cua-cac-su-kien-vi-mo-den-ttck-viet-nam-trong-nam-2022-20220510094027363.chnTheo Giang Anh
Nhịp Sống Kinh tế