Ngày 10/5, Công ty cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 và thông qua kết quả kinh doanh 2021 và đặt kế hoạch mới cho năm 2022. Ngoài ra, tại đại hội, lãnh đại Vincom Retail cũng trả lời câu hỏi của cổ đông xoay quanh vấn đề chia cổ tức.
Cụ thể, cổ đông thắc mắc doanh nghiệp đã 3 năm liền không chia cổ tức, liệu Vincom Retail có kế hoạch gì cho việc này. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Tài chính Vincom Retail cho biết năm 2020-2021 vừa rồi, dịch bệnh ảnh hưởng toàn bộ thị trường bán lẻ nói chung và Vincom Retail nói riêng. Năm 2021, công ty đã linh hoạt hỗ trợ khách hàng 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn 2022-2026 tới, công ty sẽ khai trương thêm mặt sàn bán lẻ. Lợi nhuận doanh nghiệp được giữ lại để phát triển quy mô. "Về kế hoạch chia cổ tức năm 2023, chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể và báo cáo đại hội cổ đông xin phê duyệt trước khi thực hiện", bà Hà nói.
Trước câu hỏi nền tảng thương mại điện tử đang phát triển, Vincom Retail có kế hoạch gì để cạnh tranh và thu hút mua sắm, bà Trần Mai Hoa, Tổng Giám đốc Vincom Retail cho biết công ty tập trung phát triển bất động sản bán lẻ, đối tác trực tiếp là khách thuê.
Bà Hoa cho biết Vincom Retail phát triển các ứng dụng để hỗ trợ khách thuê giao tiếp, trao đổi với chủ đầu tư, hệ thống camera AI để nhận diện khách hàng của mình về thông tin cũng như tần suất mua sắm. Ngoài ra còn triển khai hệ thống về tìm đường, tìm gian hàng, tìm chương trình khuyến mại trong trung tâm thương mại...
Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid, theo nhận định của ban lãnh đạo, mức độ hồi phục của Vincom Retail ra sao, mức hấp thụ về mức trước dịch và so sánh với các thị trường khác trong khu vực thì liệu còn nhiều dư địa phát triển.
Trả lời thắc mắc của cổ đông, bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng trong tương lai. Bà Hiền cho biết dự báo mức tiêu dùng của Việt sẽ tăng trưởng 2 con số (theo thông tin của Bộ Công Thương). Còn theo Tổng Cục thống kê, 2023 dự báo dân số Việt Nam vượt 104 triệu dân và 30% và dân thành thị, trong đó, lớp trung lưu chiếm tới 40%. Về mua sắm, Gen Z có mức tiêu dùng mua sắm cao tại các trung tâm thương mại... "Đó là động lực phát triển cho ngành bán lẻ của Việt Nam", bà Hiền cho hay.
Bà Hiền dẫn số liệu, tỉ lệ đô thị hóa ở Việt Nam năm 2020 là 40% nhưng dự kiến 2025 sẽ đạt con số 45% và đến 2030 đạt khoảng 50% (theo thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy hoạch thủ đô từ 2021-2030, Chính phủ sẽ xây dựng các thành phố trực thuộc thủ đô. Việc tập trung quy hoạch phát triển đô thị về 2 phía dọc sông Hồng, sông Đuống, kết hợp với phát triển đô thị 2 trục giữa Nhật Tân và Nội Bài.
Với xu hướng xem khách hàng tìm kiếm thông tin trực tuyến và đến trải nghiệm tại trung tâm thương mại. Ngoài việc mở cửa hàng lớn, Vincom Retail có khách thuê lớn định vị. Niềm tin nhà bán lẻ lớn đang kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thời trang, F&B vẫn đàm phán để mở cửa trong các trung tâm thương mại của Vincom Retail với thời gian từ 1-3 năm tới.
"Như chúng tôi đánh giá, kỳ vọng cuối năm nay sẽ trở lại 80-90% thị trường của năm 2019", bà Trần Mai Hoa nói thêm.
Tại đại hội cổ đông thường niên, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 8.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 83% so với năm 2021.
Vincom Retail sẽ khai trương 3 trung tâm thương mại (TTTM) mới với tổng diện tích 95.000m2, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên gần 1,8 triệu m2, bao gồm Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) và 2 Vincom Plaza.
Song song với đó, công ty sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm du lịch bán lẻ tại Grand World Phú Quốc và VinWonders để khai thác tối đa và vận hành hiệu quả những dự án tiềm năng này.
Về phát triển sản phẩm, Vincom Retail sẽ tập trung phát triển dòng sản phẩm Vincom Mega Mall thế hệ mới, bắt kịp xu hướng thế giới sau giai đoạn phủ sóng thị trường. Trong đó, mô hình Vincom Mega Mall thế hệ mới dự kiến được ra mắt, hướng tới trở thành Life-Design Mall, điểm đến sáng tạo phong cách sống hiện đại, năng động cho thế hệ trẻ.
Trong việc phát triển hệ thống khách thuê, Vincom Retail dự kiến mở rộng mạng lưới khách thuê mới theo ba nhóm: khách quốc tế lớn; nhóm khách thuê thời trang, dịch vụ và ẩm thực theo xu hướng mới; và nhóm khách thuê Việt Nam có tiềm năng phát triển thành khách thuê chuỗi. Tại các dự án đã đi vào vận hành, công ty tiếp tục nâng cấp quy hoạch ngành hàng và danh mục khách thuê nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng mới nhất của thị trường.
Hết năm 2021, Vincom Retail sở hữu 80 trung tâm thương mại trên toàn quốc, có mặt tại 43 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ đạt xấp xỉ 1,7 triệu m2. Về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau Vốn chủ sở hữu tăng 1.315 tỷ (từ 29.336 tỷ đồng năm 2020 lên 30.651 tỷ đồng năm 2021). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.315 tỷ đồng.
Với kết quả trên, Vincom Retail sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Quý đầu năm 2022, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.369 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 378 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 17% chỉ tiêu doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận sau 3 tháng.