Tháng 1-2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám xét hàng hóa trong một container có dấu hiệu nghi ngờ từ Nigeria về Cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 456kg ngà voi và 6,2 tấn vảy tê tê bị vận chuyển trái phép về Việt Nam.
Theo Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) của ENV, tính từ 2018 đến nay, có gần 60 tấn ngà voi và vảy tê tê bị phát hiện và thu giữ tại các khu vực cảng biển của Việt Nam. Điều đáng nói, đến nay vẫn không có đối tượng nào đứng sau những đường dây thu gom, buôn bán, vận chuyển trái phép số lượng lớn ĐVHD này bị đưa ra xét xử.
Một trong những nguyên nhân cho việc này bởi việc điều tra, bắt giữ và xử lý những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD quy mô lớn có yếu tố xuyên quốc gia là không hề dễ dàng. Các đối tượng này thường không phải là những người trực tiếp thực hiện các thủ tục hải quan hay trực tiếp tham gia vào công đoạn buôn lậu (thu gom, đóng gói, vận chuyển,…).
Bên cạnh hàng chục tấn ĐVHD còn "vô chủ" thì ENV đã ghi nhận 144 vụ án vi phạm về ĐVHD bị phát hiện trong năm 2021. Trong đó có 133 vụ án bắt giữ được các đối tượng có liên quan, chiếm 92,4% trên tổng số các vụ án vi phạm về ĐVHD.
Tính đến thời điểm hiện nay, 60,2% các vụ án có đối tượng bị phát hiện trong năm qua cũng đã truy cứu trách nhiệm hình sự thành công các đối tượng phạm tội.
Điều đáng nói, có đến 47,9% các vụ án có đối tượng bị đưa ra xét xử về tội phạm liên quan đến ĐVHD trong năm 2021 đã bị áp dụng hình phạt tù giam. Trung bình mức hình phạt tù giam cho các đối tượng phạm tội là 3,83 năm. Đây là tỷ lệ và mức hình phạt tù giam trung bình được duy trì kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực (ngày 1/1/2018).
Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV cho biết: Việc thu giữ hàng tấn ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép là rất quan trọng. Thế nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhìn xa hơn là chỉ thu giữ tang vật.
“Phát hiện, thu giữ tang vật chỉ nên là điểm khởi đầu của một chuyên án xử lý tội phạm về ĐVHD. Các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực điều tra, xác minh và sử dụng mọi thông tin có thể khai thác từ các vụ thu giữ tang vật ban đầu này để tìm ra những đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và những đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này”, bà Hà nhấn mạnh.
Tại buổi toạ đàm, nhiều đại biểu cho rằng những kẻ phạm tội nói chung và tội phạm về ĐVHD nói riêng chắc chắn sẽ để lại dấu vết và bằng chứng dù lớn hay nhỏ. Cụ thể như: Những tài khoản dùng để thanh toán tiền hàng và phí vận chuyển; Thông tin liên lạc kết nối các bộ phận khác nhau của đường dây; Máy tính cá nhân và điện thoại của một số đối tượng tình nghi,…
Đây đều là các nguồn có thể được xem xét trong quá trình điều tra. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng của các quốc gia khác trong những vụ việc có tính chất xuyên quốc gia cũng là cơ hội để có thể bắt giữ, xử lý triệt để các đối tượng phạm tội về ĐVHD.
XUẤT HIỆN ĐƯỜNG DÂY PHẠM TỘI ĐVHD DO NGƯỜI VIỆT CẦM ĐẦU
Theo nhiều khảo sát của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy Việt Nam không chỉ bị đánh giá là một thị trường tiêu thụ lượng lớn ĐVHD mà còn là địa điểm trung chuyển quan trọng đưa ĐVHD đến các quốc gia khác. Nhiều nguồn tin cũng cho thấy đã có các đường dây tội phạm ĐVHD do người Việt Nam cầm đầu buôn bán trái phép xuyên quốc gia. Trong đó, không ít đối tượng phạm tội là người Việt tham gia vào nhiều khâu như: thu gom, vận chuyển, tiêu thụ,… trái phép hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và nhiều sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác.
Xem thêm: lmth.388031_neih-tahp-ib-ihk-uhc-ov-gnob-ad-gnaoh-tav-gnod-nat-06-nag/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc