Bữa ăn người Việt thường nhiều thịt nhưng ít rau xanh. Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc gia tăng nhiều bệnh mạn tính, thừa cân, béo phì... - Ảnh: X.MAI
Theo kết quả Tổng điều tra về dinh dưỡng 2019-2020, mức tiêu thụ thịt của người Việt tăng nhanh, với bình quân 136,4 gr/người/ngày, trong đó thịt đỏ là 95,5g, thịt gia cầm 36,2g và các sản phẩm từ thịt là 4,7g.
Ở khu vực thành thị, mức tiêu thụ thịt cao hơn với 154 gr/người/ngày, còn ở khu vực nông thôn là 126,2 gr/người/ngày.
Tỉ lệ protein động vật/protein tổng số vượt 2 lần khuyến nghị
Theo nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam, số lượng protein/ngày ở nhóm 19-30 tuổi nam giới là 74-68gr, còn nữ giới 63-60gr. Tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là từ 30-35%. Tỉ lệ giữa lipid động vật/lipid tổng số không nên vượt quá 60%.
So với mức khuyến nghị này, lượng thịt mà người Việt sử dụng đang cao hơn gần gấp đôi.
Bữa ăn của người Việt đã được cải thiện về số lượng món, "tươi" hơn nhưng tính cân đối của khẩu phần chưa đảm bảo: quá nhiều đạm động vật, tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là 52,8%. Tỉ lệ này vượt quá so với nhu cầu khuyến nghị gần 2 lần.
Về cơ cấu tiêu thụ thịt trong khẩu phần, mức tiêu thụ thịt đỏ quá cao so với nhu cầu khuyến nghị là 70gr/người/ngày.
Mức tiêu thụ lipid trong khẩu phần là hợp lý và tỉ lệ giữa lipid động vật so với lipid tổng số là 51,4% nằm trong giới hạn theo khuyến nghị (dưới 60%). Tuy nhiên lipid từ nguồn động vật nhiều hơn so lipid nguồn thực vật.
Cần ăn đa dạng, giảm tiêu thụ các loại thịt, tăng cường rau xanh, trái cây, hải sản... - Ảnh: X.MAI
Nguy cơ mắc nhiều bệnh
TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho hay các loại thịt nói chung và thịt đỏ nói riêng là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng axit amin thiết yếu, vitamin B12 và một số khoáng chất như sắt, kẽm…
Tuy nhiên, nếu ăn vượt khuyến cáo thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư (đại trực tràng, gan, tụy, tiền liệt tuyến, phổi, thực quản…) vẫn có thể xảy ra. Tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn khi ăn nhiều thịt đỏ chế biến sẵn vì chúng chứa các chất béo bão hòa, nitrite, nitrat, nitrosamine...
"Mỗi thực phẩm đều có những chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể vì thế cần ăn đa dạng, mỗi thứ ăn một ít, không tẩy chay thực phẩm nào cũng như không ăn quá nhiều thực phẩm nào", TS Cường chia sẻ thêm.
Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cũng cho biết thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, mỡ động vật) của người Việt đã làm gia tăng các bệnh mạn tính hiện nay như thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rối loạn mỡ máu…
Để có sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế mắc các bệnh mạn tính, người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng thịt, ăn uống lành mạnh hơn.
Cụ thể nên ăn chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, nên bổ sung chất đạm động vật và thực vật, với tỉ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật, giảm tiêu thụ thịt các loại, tăng cường ăn cá, hải sản, đậu phụ và sản phẩm từ đậu đỗ.
Hạn chế các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu, tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa, thịt gia cầm...
Cân đối bữa ăn như thế nào?
Để hạn chế sự gia tăng của các bệnh mạn tính như thừa cân béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gout..., người trưởng thành nên ăn chất đạm động vật theo tỉ lệ khoảng 30%-50% tổng số đạm nạp vào, tỉ lệ lipid động vật/lipid tổng số là dưới 60%.
Ở tuổi càng cao nên ăn lượng protein từ động vật càng ít, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật.
Với trẻ nhỏ, nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein trong mỗi bữa ăn hàng ngày nên theo tỉ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật.
TTO - Lượng thịt sử dụng đã tăng nhanh, từ 84 gr/người/ngày năm 2010 đã tăng lên 136,4 gr/người/ngày năm 2020, khu vực thành thị, chỉ số này lên tới 155,3 gr/người/ngày, là quá cao so với mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe.
Xem thêm: mth.83834921101502202-tiht-auht-iv-hneb-cam-oc-yugn-tiht-ueihn-na-teiv-iougn/nv.ertiout