Hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong ảnh: lực lượng chức năng phối hợp thu giữ, xử lý một núi than lậu vô chủ tại Hải Dương - Ảnh: T.PHƯƠNG
Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thực hiện chỉ thị 29 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Đánh giá hoạt động khai thác than đã cơ bản được kiểm soát, tuân thủ quy định, hoạt động vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ than bất hợp pháp đã được hạn chế, song Bộ Công thương cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn với hoạt động này.
Cụ thể, có tình trạng một số doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc và một số địa phương chưa chấp hành nghiêm các quy định về khoáng sản và bảo vệ môi trường. Trong đó, có những vi phạm, hạn chế liên quan tới các điều kiện về kỹ thuật, an toàn trong quá trình khai thác mỏ, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra gây chết người.
Đơn cử các doanh nghiệp có vi phạm như Công ty than Dương Huy; Công ty than Uông Bí; Công ty tuyển than Cửa Ông; Công ty tuyển than Hòn Gai, Công ty than Vàng Danh, Công ty Khai thác khoáng sản, Công ty 45…
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như lợi dụng giấy phép khai thác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng hợp đồng bóc xúc đất đá thải, chế biến than… để trộm cắp, tham ô.
Cũng có trường hợp lợi dụng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để khai thác than trái phép, vận chuyển than bằng các xe gắn logo, mang biển kiểm soát giả của các đơn vị ngành than... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Thực tế trong năm 2021 vẫn xảy ra tình trạng vi phạm hoạt động sản xuất, kinh doanh than nên các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng.
Theo Bộ Công thương, hai doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong thực hiện quy hoạch phát triển ngành than là TKV và Tổng công ty Đông Bắc dù đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất than, nhưng một số dự án khai thác than đưa vào sản xuất chậm tiến độ, điều kiện khai thác mỏ xuống sâu và đi xe, nên tăng chi phí khai thác, giá thành sản xuất tăng.
Việc đóng cửa mỏ của các đơn vị còn chậm với nhiều tồn tại, dẫn tới tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tiến hành khai thác, tập kết trái phép khoáng sản tại các khu vực đang làm thủ tục đóng cửa mỏ gây thất thoát tài nguyên, phức tạp về an ninh trật tự.
Đáng chú ý, ngành than còn để xảy ra một số tiêu cực, vi phạm như lợi dụng các hợp đồng thuê ngoài để thông đồng, cấu kết với các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân để tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, lập hồ sơ, chứng từ nâng khống khối lượng đất đá thải sau sàng tuyển, chế biến để tư lợi cá nhân…
Trong khi đó, về công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn bất cập trong cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc kiểm tra, đấu tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép còn gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi...
Đề nghị nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh than
Trên cơ sở tình hình và tổng hợp kiến nghị các bộ ngành và địa phương, Bộ Công thương kiến nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị 29 của Thủ tướng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, đảm bảo cung ứng đủ than cho điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Cụ thể như hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia nhằm hạn chế tối đa tồn tại liên quan đến việc chồng lấn diện tích, ranh giới giữa các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; bám sát tình hình sản xuất, cung cấp than cho điện để kịp thời xử lý vướng mắc của doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than, Bộ Công thương kiến nghị giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm vướng mắc về giá nhiên liệu, thanh quyết toán chi phí; thống nhất giá bán than.
TTO - Quá trình kiểm tra các điểm kinh doanh than của cá nhân, tổ chức tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều 'núi than' với khối lượng hàng chục ngàn tấn không rõ nguồn gốc.