vĐồng tin tức tài chính 365

Chính sách đối ngoại của Philippines với Mỹ, Trung sẽ thay đổi ra sao?

2022-05-11 06:09

Ngày 9-5 (giờ địa phương), Ủy ban Bầu cử Philippines (COMELEC) thông báo kết quả sơ bộ cho thấy ứng viên Ferdinand Marcos Jr. đã thắng lớn với hơn 30,5 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống nước này, hơn gấp đôi số phiếu của ứng viên đối thủ là Phó Tổng thống đương nhiệm - bà Leni Robredo, theo tờ Inquirer.

Gần như chắc chắn ông Marcos Jr. sẽ kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte. Ngay sau kết quả được công bố, ông Marcos Jr. phát biểu “bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các bạn, biết ơn sự giúp đỡ, đóng góp, hy sinh, thời gian và công sức mà các bạn dành cho chúng tôi”.

Kết quả sơ bộ từ COMELEC cũng cho thấy bà Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, đã giành thế áp đảo so với đối thủ Kiko Pangilinan cho ghế phó tổng thống. Theo đó, bà nhận được 30,3 triệu phiếu bầu (chiếm 61,08% trong số phiếu được kiểm).

Theo giới quan sát, với sự lãnh đạo của nhân vật này, chính sách đối ngoại của Philippines đối với Trung Quốc (TQ) và Mỹ được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi quan trọng.

Sẽ nghiêng về Mỹ hay Trung Quốc?

Theo đài CNN, chính quyền Manila lâu nay luôn cố gắng cân bằng quan hệ với Mỹ và với TQ. Ngoại trừ Tổng thống Duterte công khai quan điểm thân Bắc Kinh thì các lãnh đạo Philippines đều tìm cách điều hướng hòa hợp với hai cường quốc này.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây thì Manila liên tục cáo buộc Bắc Kinh cố tình điều lực lượng dân quân biển uy hiếp các tàu tuần duyên và trấn áp các tàu đánh cá của Philippines, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ hoàn toàn yêu sách quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” phi pháp trên Biển Đông mà TQ đưa ra.

Chính sách đối ngoại của Philippines với Mỹ, Trung sẽ thay đổi ra sao? ảnh 1

Ứng viên tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. trong một đợt vận động tranh cử ở tỉnh Bulacan hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Nhiều năm qua ông Marcos Jr. kêu gọi Manila trực tiếp giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh, bỏ qua các cơ chế đa phương. Những người phản đối ông Marcos cho rằng đây là lập trường nhượng bộ không cần thiết trước TQ bởi Bắc Kinh sẽ dễ dàng hơn trong việc tận dụng thế mạnh về kinh tế - quân sự để lấn át trên bàn đàm phán song phương.

Ông Marcos Jr. những tháng gần đây có nhiều lần gặp gỡ và được cho là có mối quan hệ thân thiết với Đại sứ TQ tại Philippines Hoàng Khê Liên. Ông Hoàng từng phát biểu công khai rằng được gặp ông Marcos Jr. là một “vinh dự lớn” và cam kết sẽ cùng nhau mở ra “tương lai tươi sáng cho quan hệ TQ - Philippines”.

Trong khi đó, quan hệ của ông Marcos Jr. với Mỹ có một rào cản lớn nằm ở chế độ của cha ông là ông Ferdinand Marcos - Tổng thống Philippines từ năm 1965 đến năm 1986 và có một số hành động được cho là vi phạm quyền con người. Ông Marcos Jr. gần đây dùng cụm từ “đặc biệt” khi đề cập đến quan điểm của ông về quan hệ Mỹ - Philippines. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khi ông Marcos Jr. đắc cử thì Mỹ cũng sẽ tìm cách gác lại các mâu thuẫn trong quá khứ để xây dựng quan hệ mới với ông, vì lý do chiến lược.

“Philippines có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với cả Mỹ và TQ. TQ dù đang phải vật lộn với nhiều vấn đề đối nội nhưng vẫn không từ bỏ việc mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, còn Mỹ cần Philippines để thực hiện chiến lược kìm hãm Bắc Kinh ở châu Á” - theo chuyên gia Joshua Kurlantzick thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ).

Khó đoán

Việc dự đoán chính sách đối ngoại của ông Marcos Jr. tương đối khó khăn bởi đội ngũ tranh cử của vị chính khách này không công bố nhiều thông tin chi tiết liên quan tới tầm nhìn ngoại giao của ông. Ông Marcos Jr. cũng chưa giới thiệu ai sẽ là người phụ trách các vấn đề đối ngoại trong nội các mới.

Trước mắt, GS Richard Heydarian thuộc ĐH Bách khoa Philippines cho rằng chính sách của ông Marcos Jr. về TQ ra sao sẽ còn phụ thuộc nhiều vào phản ứng của người dân Philippines. Phần lớn người dân nước này muốn Manila thực thi và duy trì một chính sách thực dụng nhưng cứng rắn với Bắc Kinh hơn sau những gì từng xảy ra dưới thời ông Duterte.

GS Charmaine Misalucha-Willoughby thuộc ĐH De La Salle (Philippines) cho rằng dù tổng thống mới của Philippines là ai thì nước này cũng sẽ có cơ hội khởi động lại mối quan hệ với Mỹ và TQ, trong đó vấn đề cân bằng chiến lược cần phải được ưu tiên.•

Ông Marcos Jr. sẽ đối mặt với nhiều thách thức kinh tế

Theo tờ The Nikkei, về mặt kinh tế, hầu hết giới chuyên gia đánh giá chương trình nghị sự của ông Ferdinand Marcos Jr. về lĩnh vực này còn thiếu chi tiết. Đây là điều đáng lo ngại bởi ông Marcos Jr. sẽ phải dẫn dắt một nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau đại dịch và chịu nhiều sức ép từ lạm phát gia tăng cùng mức nợ công chạm trần.

Cụ thể, chỉ số sàn giao dịch chứng khoán Philippines đã giảm 5% trong năm nay, giảm mạnh hơn so với các sàn lớn khác ở Đông Nam Á. Trong khi đó, đồng peso của Philippines suy yếu so với đồng USD gần 3%, mức cao hơn so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, một phần do những bất ổn liên quan đến bầu cử.

Lạm phát của Philippines tháng 4 lên tới 4,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1-2019, so với trung bình 3,7%. Giá gas tăng 43%, giá dầu diesel tăng 87% do biến động trên thị trường năng lượng từ xung đột Nga - Ukraine, trong khi giá lương thực thực phẩm tăng 3,8%. Đây đều là những vấn đề cấp bách mà nội các mới cần phải nhanh chóng hành động, giải quyết.

Xem thêm: lmth.154976tsop-oas-ar-iod-yaht-es-gnurt-ym-iov-senippilihp-auc-iaogn-iod-hcas-hnihc/nv.olp

“Chính sách đối ngoại của Philippines với Mỹ, Trung sẽ thay đổi ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools