Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ thời gian qua liên tục tăng trưởng, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỉ USD năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch song phương năm 2021 vẫn tăng gần 21 tỉ USD so với năm 2020. Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ 2, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam.
Kim ngạch hai chiều tăng trưởng mạnh
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết năm 2021, có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỉ USD. Ngoài những nhóm hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản, thì các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ cũng đã vươn lên vị trí hàng đầu. Ở chiều ngược lại, năm 2021 Việt Nam chi 15,27 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước. Các nhóm hàng nhập khẩu chính như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,79 tỉ USD; bông 1,17 tỉ USD; máy móc, thiết bị 992 triệu USD.
Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 35,6 tỉ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ trong 4 tháng đạt 4,7 tỉ USD.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết thị trường Mỹ rất quan trọng đối với ngành gỗ Việt Nam. Đây là thị trường chiến lược, có mức tăng trưởng bình quân khoảng 30% những năm gần đây và chiếm khoảng 50%-60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Chẳng hạn, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ đạt 15,8 tỉ USD thì thị trường Mỹ chiếm tới 8,8 tỉ USD. Sở dĩ sản phẩm gỗ của Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở Mỹ là do gần đây các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một điểm đến lý tưởng. Việt Nam có lợi thế về chế biến gỗ, giá nhân công còn thấp, tay nghề cao, chịu khó và đặc biệt là có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn với khoảng 3 triệu ha.
Ngoài xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ, Việt Nam cũng nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ thị trường Mỹ với sản lượng khoảng 1 triệu m3 mỗi năm. Theo ông Hoài, sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ từ Mỹ giúp doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam yên tâm về nguồn hàng (Mỹ có diện tích gỗ rừng trồng rất lớn) và bảo đảm về tính hợp pháp. Do đó, hiệp hội khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ từ thị trường này. Ngược lại, phía Mỹ cũng rất muốn tiêu thụ gỗ nguyên liệu sang Việt Nam.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành gỗ, dư địa thị trường đồ gỗ của Mỹ vẫn còn rất lớn. Đến nay, người tiêu dùng Mỹ quen sử dụng các sản phẩm gỗ của Việt Nam vì có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang Mỹ được miễn thuế nhập khẩu nên sức cạnh tranh rất tốt. Đặc biệt, quan hệ giữa hai nước những năm gần đây phát triển rất tốt đẹp, giúp các ngành xuất khẩu gặp thuận lợi.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây dẫn đầu sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, vừa có chuyến sang Mỹ, gặp gỡ khách hàng sau thời gian dài chỉ trao đổi trực tuyến. Qua chuyến đi này, ông Tùng đánh giá việc Mỹ kiểm soát được dịch Covid-19, sức mua phục hồi nhanh nên tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường này năm nay sẽ tốt hơn. Tình trạng thiếu container, kẹt cảng cũng dần cải thiện, sẽ trợ lực cho xuất khẩu. "Trước đây, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi, gặp nhiều khó khăn về bảo quản, nay xuất khẩu thêm được nhiều sản phẩm đông lạnh như: sầu riêng, nhãn... cũng góp phần tăng doanh số. Năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu thêm loại trái cây tươi mới sang Mỹ là bưởi (trao đổi với quả bưởi Mỹ - PV) - là loại quả thứ 7 sau thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài, vải, vú sữa - sẽ giúp phát triển thương mại song phương" - ông Tùng thông tin.
Trái cây Mỹ được bán tại một siêu thị ở TP HCM. Ảnh: AN AN
Một năm đầy hứa hẹn
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, để đạt được kết quả trên, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn. Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.
Nhấn mạnh Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa tổng thể quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng được lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tối đa các nhà máy và khôi phục sản xuất để tạo chuỗi cung ứng, duy trì các đơn hàng giữa Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ cùng các nước khác.
Trao đổi với phóng viên, ông Benjamin Petlock, Tùy viên Cao cấp Nông nghiệp - Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, cho biết trong năm qua dù gặp nhiều thách thức bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu nông sản, thực phẩm từ Mỹ sang Việt Nam vẫn tăng nhẹ. Hiện Việt Nam là thị trường lớn thứ 8 của nông sản, thực phẩm Mỹ. Năm 2021, nhóm hàng sữa và các sản phẩm từ sữa xuất khẩu sang Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt, gây nhiều ngạc nhiên nhờ thuế suất giảm (từ 5% xuống 2% đối với một số mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn - PV). Ngoài ra, các mặt hàng như bắp, đậu nành... sử dụng cho ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng tăng trưởng tốt. "Bước sang năm 2022, với việc kiểm soát dịch Covid-19 tốt, Việt Nam đang mở cửa đón khách quốc tế trở lại hứa hẹn sẽ là một năm tăng trưởng tốt trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Năm nay, dự kiến Mỹ sẽ có sản phẩm mới lần đầu được xuất khẩu sang Việt Nam là bưởi. Đây là loại quả rất tươi ngon, hy vọng sẽ được người tiêu dùng Việt Nam chào đón. Ngoài ra, từ nhận định Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ tương hỗ đối với mảng nông sản, thực phẩm, tiềm năng trong tương lai còn rất lớn nên gần đây, chúng tôi triển khai chiến dịch tiếp thị số "United Tastes (Mỹ vị Hoa Kỳ)" - trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, YouTube... giới thiệu các công thức nấu ăn, ý tưởng ẩm thực đa dạng để chế biến món ăn sử dụng các nguyên liệu chất lượng cao, an toàn đến từ Mỹ đến với người tiêu dùng Việt" - ông Benjamin Petlock chia sẻ.
Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng đầu tư và thương mại 2 chiều giữa Mỹ và Việt Nam sẽ mở ra giai đoạn mới theo hướng sâu hơn, xanh hơn sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường M - Canada và châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều coi Mỹ là thị trường lớn để tiếp cận, đưa hàng hóa vào. Đây là thị trường tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới và không quá khó tính. "Theo tôi, không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu ngành hàng gia công, điện tử, may mặc... mà phải tiếp cận nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh về nguyên liệu hơn. Cụ thể, các nhà làm thương mại cần tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm nông sản chế biến đạt chuẩn vào Mỹ nhiều hơn vì dư địa cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chất lượng tại thị trường Mỹ còn rất lớn" - ông Robert Trần nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường công du Mỹ
Chiều 10-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5 tại thủ đô Washington D.C., Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joseph Robinette Biden Jr; đồng thời thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc từ ngày 11 đến 17-5.
Dịp này, Thủ tướng sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Mỹ chủ trì vào tối 12-5 tại Nhà Trắng; dự phiên họp Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ chiều 13-5. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt, dự kiến lãnh đạo các nước ASEAN sẽ dự ăn trưa làm việc với Phó Tổng thống Mỹ ngày 13-5; dự ăn trưa làm việc với đại diện lãnh đạo Quốc hội Mỹ ngày 12-5; tiếp các bộ trưởng Nội các Mỹ; và gặp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Dự kiến, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN - Mỹ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt, ASEAN và Mỹ cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững...
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ dự kiến sẽ thông qua văn kiện Tuyên bố Tầm nhìn chung, phản ánh các kết quả của Hội nghị, nhấn mạnh các thành quả quan trọng đạt được trong 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ và khẳng định các định hướng thúc đẩy quan hệ hai bên trong thời gian tới.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ, phù hợp tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, đóng góp vào các nội dung thảo luận, trao đổi trên tinh thần chân thành, tin cậy và hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ phát triển lên tầm cao mới vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững trong khu vực và trên thế giới.
D.Ngọc
Xem thêm: mth.35203501201502202-hnam-gnourt-gnat-es-ym-teiv-et-hnik-gnov-yk/et-hnik/nv.moc.dln