Vừa qua, Chính phủ đã ra Nghị quyết Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có nội dung giao Bộ Tài Chính nghiên cứu xây dựng Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét ban hành giai đoạn 2023-2025
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, mức thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) đã được điều chỉnh tăng dần qua các năm từ 50% năm 2015 đến nay 65%.
Song song đó, tác động dịch COVID-19 thời gian qua đã làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy cộng thêm gần đây xung đột Nga - Ukraine đã làm giá các nguyên liệu cũng như chi phí logistics tăng phi mã. Vì vậy, từ quý II-2022 giá bia đã phải điều chỉnh tăng từ 15%-30%.
“Nếu chính sách thuế TTĐB được điều chỉnh tăng trong năm 2023 - 2025 thì dự kiến giá bia tiếp tục tăng cao hơn nữa so với hiện nay”- ông Việt nói.
Siêu thị giới hạn số lượng bia được mua. ẢNH: TÚ UYÊN |
Cũng theo ông Việt, do ảnh hưởng dịch COVID- 19, sản xuất ngành bia năm 2020 giảm 14% so với năm 2019. Năm 2021 sản lượng tiếp tục giảm 7,8% so với năm 2020.
Tổng sản lượng tiêu thụ bia giảm hơn 20% so với năm 2019 tương đương giảm hơn 1 tỷ lít bia. Trong khi đó, theo Bloomberg lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam năm 2020 ước giảm đến 25%.
“Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, các DN vô cùng khó khăn. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thể phục hồi như trước do chi phí các nguyên liệu đầu vào tăng từ 20%- 50% chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất…”- ông Việt nói.
Theo VBA, ngành đồ uống thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước khoảng 60 ngàn tỉ đồng/năm. Các nhà máy sản xuất kinh doanh đồ uống có mặt ở 51 tỉnh thành và đóng góp ngân sách lớn cho các địa phương.
Đặc biệt, năm 2018 các nhà máy đóng góp ngân sách cao nhất cho TP.HCM hơn 23.000 tỉ đồng, cao thứ hai là Hà Nội hơn 4.800 tỉ đồng, tiếp đến là Đà Nẵng hơn 2.300 tỉ đồng…
Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành bia rượu nước giải khát đã giảm 10.000 tỉ đồng.
Rượu lậu gây thất thu thuế hơn 751 triệu USD
Theo VBA, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, rượu giả… gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là gây thất thu ngân sách nhà nước khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức.