Nguyễn Thị Kim Hà (trái) sẽ là niềm hy vọng vàng cho taekwondo Việt Nam tại SEA Games này - Ảnh: NVCC
Những võ sĩ miệt mài ngày đêm
Phạm Đăng Quang - sinh viên chuyên ngành quản lý thể thao, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thành viên của đội tuyển taekwondo nội dung đối kháng nam - sẽ có lần thứ hai tham gia SEA Games vào tháng 5 này.
Trong giai đoạn nước rút, thời gian tập luyện của Đăng Quang cũng được huấn luyện viên bố trí nhiều hơn, kéo dài từ sáng tới chiều để đạt điểm rơi phong độ tốt nhất lúc lâm trận.
"Các bài tập trải dài ra nhưng cường độ sẽ giảm đi đôi chút để tạo cho cơ thể cảm giác không quá nặng - Quang giải thích - Ngoài ra, mình cũng phải ép cân để về đúng hạng cân đăng ký là 58kg".
Quang chia sẻ thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, rất hiếm có các giải đấu quốc tế. SEA Games sắp tới sẽ như sự khởi đầu cho một giai đoạn mới của nhiều vận động viên trẻ như bạn.
Lúc cao điểm dịch COVID-19 ở TP.HCM, Quang cũng đã mắc COVID-19, cảm thấy rất khó khăn để hồi phục và lấy lại phong độ. "Giờ mình thấy đã ổn và sẵn sàng cho kỳ đại hội", Quang nói.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Kim Hà - sinh viên khoa khoa học thể thao của Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cũng đang vào giai đoạn cuối khổ luyện trước khi thi đấu SEA Games 31.
Là một trong những thành viên của đội quyền tiêu chuẩn nữ, bộ môn taekwondo, quá trình tập luyện của Hà không thiên nhiều về sức mạnh, thể lực mà đề cao sự chuẩn xác trong từng động tác cũng như cách phối hợp nhịp nhàng với những đồng đội. "Chỉ cần một người sai một nhịp, kết quả sẽ rất khác", Hà nói.
Đây là lần thứ 2 Hà được dự SEA Games. Thi đấu trên sân nhà dù quen thuộc với sân bãi, điều kiện thi đấu, nhưng theo Hà, sự cổ vũ của những cổ động viên đôi khi cũng là áp lực cho những vận động viên.
Vì vậy, dù mới giành huy chương đồng giải vô địch quyền taekwondo thế giới chưa tròn 1 tháng, bước vào SEA Games lần này, Hà không khỏi lo lắng.
"Bù lại sẽ có ba mẹ đi xem. Trước nay thi đấu quốc tế, ba mẹ mình không có điều kiện xem con gái thi đấu, nay mình đã có vé cho ba mẹ đến khán đài cổ vũ trực tiếp", Hà cười.
Nữ vận động viên marathon truyền cảm hứng
Tại kỳ SEA Games lần thứ 30 (2019), vận động viên Phan Thị Hồng Lệ khi hoàn thành 42km cự ly marathon với vị trí thứ 3 chung cuộc đã gục xuống đường pitch, căng cứng toàn thân, phải nằm trợ thở oxy khiến những ai chứng kiến đều xúc động.
Tinh thần chiến đấu hết mình của Hồng Lệ được bình chọn là một trong những hình ảnh xúc động nhất tại kỳ đại hội trên đất Philippines. Khi đó, Lệ chỉ mới là cô sinh viên năm nhất khoa giáo dục thể chất tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định).
Hình ảnh Hồng Lệ phải được cấp cứu ngay sau khi về đích tại SEA Games 2019 khiến nhiều người xúc động - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN
Với những khán giả, khoảnh khắc Hồng Lệ đổ gục trên vạch đích để lại nhiều cảm xúc nhưng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nữ vận động viên này cho rằng đó là một bài học đắt giá về kỹ thuật và một vài thiếu sót trong khâu chuẩn bị trước giờ G, từ đó giúp Lệ có thêm kinh nghiệm, cải thiện cho lần trở lại SEA Games mạnh mẽ hơn.
Năm nay Hồng Lệ sẽ không dự nội dung marathon mà sẽ thi đấu trên 2 đường chạy cự ly 5.000m và 10.000m, được giới chuyên môn kỳ vọng có thể tranh chấp huy chương vàng.
Năm 2022 cũng là năm cuối của cô sinh viên Hồng Lệ tại khoa giáo dục thể chất, Trường ĐH Quy Nhơn, cùng mong muốn sau khi treo giày có thể trở thành một giảng viên. Lệ chia sẻ cân bằng giữa việc học và việc tập trung tập luyện cùng đội đôi khi cũng rất khó khăn.
"Luyện tập phải hằng ngày nhưng chuyện học tại trường cũng không thể bỏ được. Mình thường bay đi bay về giữa Hà Nội và Quy Nhơn để vừa tập, vừa học. Có nhiều lần, vừa bay về Quy Nhơn để thi xong một môn học, không kịp về thăm nhà, đã phải bay ra lại Hà Nội để tập trung", Hồng Lệ tâm sự.
Nữ vận động viên chia sẻ thêm: "Nhưng bằng cách này hay cách khác, các thầy cô đều hướng dẫn thêm cho mình, bổ sung những gì mình còn thiếu. Đó là những kiến thức căn bản để mình nắm được từng môn học trong những ngày tập luyện cho các giải hay khi thi đấu".
Giảng viên làm huấn luyện viên
Ông Phan Thanh Cảnh là huấn luyện viên của đội tuyển bóng rổ quốc gia, đồng thời cũng là giảng viên chính thức tại ĐH Thể dục thể thao TP.HCM.
Những ngày này, ông Cảnh đang cùng đội bóng rổ nam Việt Nam tăng cường giáo án tập luyện vào 2 buổi sáng và tối mỗi ngày, bên cạnh đó đảm bảo phục hồi cơ thể cho vận động viên.
Năm nay là lần thứ 4 liên tiếp vị giảng viên - huấn luyện viên Phan Thanh Cảnh góp mặt tại SEA Games. Trước kỳ đại hội trên sân nhà, toàn đội đang chuẩn bị khá kỹ lưỡng về cả kỹ thuật, chiến thuật lẫn tâm lý thi đấu.
Ông cho biết SEA Games gần nhất, bóng rổ nam Việt Nam đã giành được 2 huy chương đồng nội dung 5x5 và 3x3, nên cả đội sẽ quyết tâm đổi màu huy chương vào tháng 5 này.
Ông Cảnh chia sẻ: "Việc huấn luyện trên đội tuyển và dạy sinh viên đại học nhìn chung không khác nhau lắm. Vẫn là việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhưng ở đội tuyển cấp độ và đòi hỏi sẽ cao hơn ở trường đại học.
Với các sinh viên học môn bóng rổ tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, phần lớn các bạn sẽ hoàn thiện các kỹ năng và học thêm về sư phạm để khi ra trường có thể đứng dạy các lớp về bóng rổ".
TTO - Hôm nay 11-5, SEA Games 31 sẽ diễn ra nhiều môn thi đấu hấp dẫn. Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc toàn bộ lịch thi đấu.
Xem thêm: mth.44114848011502202-13-semag-aes-iat-iat-hnart-ioum-iod-iout-neiv-hnis-gnuhn/nv.ertiout