Theo hãng tin CNN, tình hình lạm phát cao nhất 40 năm qua tại Mỹ đang khiến nhiều gia đình đơn thân tại đây rơi vào cảnh khốn cùng vì chẳng thể cắt bỏ chi phí hay tiết kiệm ở đâu được nữa.
Số liệu của Oxfam cho thấy giá thực phẩm, khí đốt sưởi ấm, tiền thuê nhà và điện nước ngày một tăng cao trong năm qua nhưng lương không tăng kịp đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ đơn thân phải bỏ bữa để con cái có đồ ăn. Xin được nhắc là hơn 50% số gia đình phụ huynh đơn thân ở Mỹ kiếm chưa đến 15 USD/giờ.
Hãng tin CNN cho biết tình hình lạm phát tăng cao khiến những ông bố, bà mẹ đơn thân, vốn là đối tượng có thu nhập thấp tại Mỹ cũng như nhạy cảm với chi phí sinh hoạt, đang lao đao để duy trì cuộc sống. Rất nhiều bậc phụ huynh đã phải cắt giảm chất lượng thực phẩm, tiết kiệm hết mức và vay nợ nhiều hơn để có thể sống qua ngày.
Chị Elisabeth Mendes Saigg
Đời không như mơ
Theo CNN, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chậm chân trong cuộc chiến chống lạm phát cũng như động thái cắt giảm các chương trình trợ cấp từ chính phủ hậu dịch Covid-19 đã khiến nhiều gia đình thu nhập thấp gặp khó khăn.
"Thật khó khăn để xác định tôi nên làm gì, không nên tiêu gì và làm thế nào để tiết kiệm từ đồng lương đã quá ít ỏi của mình để sống", chị Elisabeth Mendes Saigg, 33 tuổi sống tại Florida đang phải nuôi con 1 mình sau khi chồng qua đời, ngán ngẩm cho biết.
Sau khi chồng chị Saigg qua đời vào năm 2020, gia đình vẫn được nhận trợ cấp thực phẩm. Thế nhưng ngay sau khi người phụ nữ góa này kiếm được công việc thì khoản trợ cấp này đã bị cắt. Khoản thu nhập 25.000 USD/năm của chị khiến gia đình không còn thuộc diện nhận trợ cấp từ chương trình an sinh xã hội nữa.
Tồi tệ hơn, việc chính phủ cắt giảm trợ cấp khiến những bà mẹ đơn thân như chị Saigg dù có nhận được hỗ trợ cũng sẽ ít hơn 700 USD/tháng so với trước đây.
Với chi phí đắt đỏ hiện nay tại Mỹ, khoản tiền 25.000 USD/năm là không đủ sống để nuôi dạy con cái. Hệ quả là chị Saigg phải cắt giảm mọi thứ, từ nâng điều hòa nhiệt độ lên cho đỡ tốn điện đến từ bỏ các chương trình ngoại khóa ở trưởng của con. Mặc dù phải đi dạy thêm kiếm tiền nhưng chị Saigg chỉ ăn 1 hộp mỳ ống mỗi ngày hoặc thậm chí bỏ bữa để đứa con 3 tuổi rưỡi không phải bỏ bữa và có thể ăn những món ưa thích như hot dog hay rau trộn.
Lay lắt qua ngày
Khảo sát của Morning Consult cho thấy khoảng 30% số gia đình đơn thân trong tháng 3/2022 có tình hình tài chính tệ hơn so với các gia đình khác, cao hơn tỷ lệ 22% của tháng trước đó.
Cô Jessica Ridout
Trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 3/2022, các gia đình đơn thân cho biết họ kiếm được ít hơn 16% so với mặt bằng chung và tiêu ít hơn 8% mỗi tháng.
"Nếu không có biến cố gì quá lớn thì chúng tôi sẽ cố gắng không đến bệnh viện, không đi khám răng hay những chi phí khác. Hóa đơn sẽ được giữ dưới 100 USD/tháng. Nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra thì chắc chắn khoản chi phí đó sẽ bị trả chậm", cô Shae Beery, 44 tuổi sống tại Tennessee đang phải nuôi con 1 mình cho biết.
Hàng tin CNN cho biết khi giá cả tăng cao còn mức lương không theo kịp, những phụ huynh đơn thân phải cắt giảm chi phí bằng cách mua ít thực phẩm hoặc nhịn ăn cho con, nhưng cuối cùng hóa đơn hàng tháng vẫn cao hơn trước.
"Những gia đình đơn thân hiện đã không còn đủ khả năng thanh toán các hóa đơn như trước. Họ đang phải sống lay lắt qua ngày khi đến tháng là hết tiền, không tiết kiệm được đồng nào cho những trường hợp rủi ro bất ngờ", chuyên gia kinh tế trưởng John Leer của Morning Consult lo lắng nói.
Thậm chí ở New York, một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của Mỹ cũng chẳng khá hơn. Cô Jessica Ridout, 41 tuổi đang nuôi 2 con cho biết gia đình đang phải tuân thủ chế độ ăn chay khắt khe bởi giá thực phẩm tăng quá cao.
Trước đại dịch, gia đình cô Ridout tiêu tốn khoảng 50-75 USD/tuần cho thực phẩm thì con số này hiện đã vọt lên 125 USD. Hệ quả là gia đình Ridout còn chẳng dám mua thịt và chuyển qua chế độ ăn chay trường.
"Thịt quá đắt đỏ và tôi thậm chí sẵn sàng làm mọi thứ để các con tôi có được một miếng cá hồi mỗi tuần", chị Ridout đau đơn nói.
Lạm phát tại Mỹ cao nhất 40 năm
Mỗi miếng cá hồi hiện nay có giá đến 17 USD và gia đình Ridout hiện không đủ khả năng mua chúng hàng tuần.
Lo sợ suy thoái
Trong khi các nhà kinh tế hô hào nâng lãi suất để chống lạm phát thì các gia đình nghèo ở Mỹ đang phải hạn chế tiêu để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Thu không đủ chi nên nhiều gia đình đã phải vay nợ và trớ trêu thay, việc nâng lãi suất của FED khiến họ phải trả lãi vay nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc nâng lãi suất sẽ làm giảm nguồn tiền kích thích kinh tế, nâng mức lãi vay và làm xói mòn sức tiêu dùng trên thị trường. Xin được nhắc là vô số gia đình Mỹ hiện đang phải sống dựa vào thẻ tín dụng hàng tháng, cứ lương về là chỉ để thanh toán hóa đơn lẫn tín dụng.
"Chúng ta đang phải chứng kiến mặt trái của việc nâng lãi suất khi những hộ gia đình nghèo là người chịu tổn thương nặng nhất", chuyên gia Leer của Morning Consult nhận định.
Trong tháng 3/2022, gần 2/3 hệ thống 200 ngân hàng thực phẩm cho người nghèo Feeding America tại Mỹ báo cáo tình trạng quá tải do nhu cầu cần trợ giúp của người dân tăng mạnh.
Giám đốc Cassidie Bates của hệ thống ngân hàng thực phẩm cho người nghèo tại East Bay, Bắc California cho biết số lượng người cần giúp đỡ đã tăng mạnh từ 178.000 người/tháng lên 300.000 người. Thậm chí có cả những đối tượng chưa bao giờ phải rơi vào cảnh nhờ trợ cấp thực phẩm cũng phải đến "xin ăn" ở ngân hàng vì lạm phát quá cao.
"Chỉ 1 tháng tồi tệ thôi là có thể đẩy một con người vào cảnh khó khăn khốn cùng. Khi họ rơi vào cảnh nghèo đói thì nó cứ như vòng luẩn quẩn vậy, rất khó để thoát ra và gượng lại được nếu không có sự giúp đỡ", bà Bates cảnh báo khi dự đoán tình hình quá tải này sẽ còn kéo dài ít nhất vài năm nữa.
Cụ J.R. Young
Cụ ông 68 tuổi J.R. Young sống tại Colorado cùng đứa cháu 17 tuổi vốn từng rất biết tiết kiệm để có thể xoay sở với chi phí sinh hoạt ở Mỹ. Thế nhưng lạm phát tăng cao đang khiến cụ ngày một khó sống hơn khi phải từ bỏ các món thịt hộp để chuyển qua ăn rau quả. Loại thịt bò mà cụ Young thường mua cho cháu mình đã tăng giá đến 33%.
Hiện nay cụ Young còn chẳng đủ tiền mua sữa tươi cho cháu uống như bao gia đình khác và bản thân cụ thì chỉ dám ăn bánh mì quết bơ đậu phộng hàng ngày để dành lương thực cho cháu.
"Cuộc sống giờ đây thật khó khăn. Tôi thậm chí phải cân đo đong đếm từng lát bánh mỳ, từng miếng bơ phết lên để đảm bảo đủ chi phí sống qua ngày", cụ Young buồn bã nói.
*Nguồn: CNN
http://tintuc.vdong.vn/05/1345470.htmHuyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế