Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 4 khá thuận lợi và chỉ số VN-Index thậm chí đã trở về vùng đỉnh lịch sử 1.530 điểm. Tuy vậy, những lo ngại về việc FED tăng lãi suất, xung đột Nga – Ukraine leo thang hay những vụ bắt giữ, khởi tố lãnh đạo một số doanh nghiệp sai phạm phần nào khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm mạnh, thậm chí có lúc "thủng" mốc 1.300 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 29/4, chỉ số VN-Index dừng tại mốc 1.366,8 điểm, tương ứng giảm 8,4% so với tháng trước và giảm 8,8% so với đầu năm. Mức sụt giảm có phần bất ngờ trong tháng 4 khiến cho phần lớn nhà đầu tư trên thị trường đánh mất thành quả từ đầu năm, thậm chí thua lỗ.
Ngay cả những tổ chức, quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng không ngoại lệ khi phần lớn các tên tuổi đều có hiệu suất đầu tư kém thuyết phục trong tháng 4, cũng như 4 tháng đầu năm 2022. Đây cũng là điều không quá bất ngờ khi các tổ chức lớn thường nắm giữ danh mục dài hạn nên khó tránh khỏi những biến động của thị trường. Xét trên toàn thị trường, công ty đầu tư Passion Investment là trường hợp hiếm hoi khi hiệu suất danh mục dương 0,3% trong tháng 4.
“Anh đã làm gì để né cái hố vừa rồi? Cách để anh 'see the game' là gì? Đây có phải là vận may đơn thuần không?”, host Ngọc Trinh đặt câu hỏi cho CEO Passion Investment trong talkshow Bí mật đồng tiền số 20 phát sóng trên VTV Digital với chủ đề See Game.
Nguồn ảnh: VTV.
“Khi chúng ta muốn tránh được những cú sụt giảm của thị trường thì có nhiều yếu tố. Đầu tiên chúng ta phải có nhận thức đầu tư thị trường chứng khoán là có rủi ro, nghĩa là có lên thì có xuống, có xuống thì có lên. Nó là tuần hoàn chứ không phải lên mãi hay xuống mãi. Rất nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường không nhận thức sẽ có lúc rủi ro xảy ra.
Điều thứ 2 là khi chúng ta nhận thức được rủi ro thì phải có mong muốn tránh được rủi ro đó hay không. Thực ra trước năm 2018 tôi cũng theo trường phái Buy and Hold (Mua và Nắm giữ). Nhưng dự báo thị trường khó quá, sau rất nhiều lần đu đỉnh, bầm dập bởi thị trường quá nhiều rồi thì mình đưa ra quyết định “Bây giờ mình phải làm thế nào để không phải trải qua giai đoạn đau khổ như thế”. Cảm giác cầm cổ phiếu từ đỉnh giảm xuống đến đáy giảm mấy chục phần trăm rất mệt mỏi. Tôi không muốn mệt mỏi nữa. Khi đặt mục tiêu phải làm được điều đó thì mục tiêu Passion đặt ra là tất cả cú sụt giảm trên 20% của thị trường mình phải tránh được”, ông Lã Giang Trung chia sẻ.
CEO này cho biết từ những kinh nghiệm đau thương trên thị trường giúp ông có được sự nhạy cảm đối với rủi ro. Năm 2020 khi dịch Covid-19 xảy ra, Passion Investment tránh được cú sụt giảm khi thị trường giảm hơn 30% thì danh mục chỉ giảm hơn 9% kể từ đỉnh. Cú sụt này ông Giang cho biết dựa trên trực giác về rủi ro khi vừa trải nghiệm năm 2018. Sau năm 2020, công ty này bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro cho mình dựa trên kinh nghiệm, các chỉ số và cả "cảm giác cá nhân". Điều này dẫn đến đầu năm 2022 hệ thống cảnh báo rủi ro và Passion bắt đầu đi ra.
“Thực ra mà nói để xây dựng hệ thống thì rất khó. Đối với các nhà đầu tư cá nhân chỉ có một nguyên tắc duy nhất mà trong tất cả các sách vở đều nói rồi: Chúng ta mua cổ phiếu dựa trên yếu tố cơ bản, đắt không mua, rẻ mới mua. Nguyên tắc này được Warren Buffett thực hiện trong hàng chục năm và thành công”, ông Trung đưa ra lời khuyên.
Bổ sung cho ý kiến của ông Lã Giang Trung, ông Phạm Lưu Hưng- Kinh tế trưởng công ty chứng khoán SSI cho biết nhà đầu tư cá nhân cần biết quản lý danh mục tài sản của mình.
“Khi mình mang toàn bộ tài sản để đầu tư với mức độ rủi ro cao thì việc đặt mình vào vị thế khi thị trường giảm như hiện tại rất nặng nề. Chúng ta phải quản lý tài sản sao cho phần chấp nhận rủi ro không phải là toàn bộ tài sản mà chúng ta có, thì mới có thể thoát được những đợt giảm giá mạnh như thế này. Còn toàn bộ cả nhà cửa có bao nhiêu tiền mang vào hết, lại còn margin nữa thì thực sự không đủ tỉnh táo để đánh giá tình hình”, ông Hưng nhận xét.
http://tintuc.vdong.vn/05/1345569.htmMộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế