Công ty dược phẩm Emergent BioSolutions ở bang Maryland (Mỹ) - Ảnh: CBS LOCAL
Theo báo The Hill, một báo cáo của Quốc hội Mỹ công bố ngày 10-5 cho biết số vắc xin COVID-19 trên bị tiêu hủy do công ty "không đáp ứng hoặc duy trì các tiêu chuẩn chất lượng".
Khoảng 240 triệu liều vắc xin COVID-19 đã bị tiêu hủy tại cơ sở này vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 vì “kiểm soát chất lượng kém”. 90 triệu liều mới được sản xuất phải tiêu hủy cũng vì lý do chất lượng. Ngoài ra, còn khoảng 60 triệu liều bị tiêu hủy do hết hạn sử dụng.
Báo cáo cáo buộc Công ty Emergent đã cố gắng che giấu bằng chứng về những liều vắc xin bị hủy với chính phủ liên bang và các công ty dược phẩm khác, khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đến thăm cơ sở vào tháng 2-2021.
Công ty Emergent cũng bị cáo buộc đã từ chối cho phép các nhân viên kiểm soát chất lượng của Tập đoàn dược phẩm và thiết bị y tế Johnson&Johnson tiếp cận cơ sở.
Ngoài ra, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, giám đốc điều hành của công ty đã khoe khoang khả năng sản xuất của họ với các nhà sản xuất vắc xin như Johnson&Johnson và AstraZeneca, bất chấp công ty này hiểu rõ các “thiếu sót” về chất lượng trong hệ thống sản xuất của họ.
Việc sản xuất vắc xin tại cơ sở Baltimore của Emergent BioSolutions đã bị tạm dừng vào tháng 4- 2021 và một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ đã được khởi động.
Vào tháng 11-2021, chính quyền Tổng thống Biden đã hủy bỏ hợp đồng với Công ty Emergent BioSolutions.
”Hạ nghị sĩ Carolyn Maloney, chủ tịch Ủy ban Giám sát và cải cách, cho biết: “Bản báo cáo ngày hôm nay cho thấy rằng công ty đã thu lợi từ đại dịch trong khi xâm phạm lòng tin của công chúng".
Hạ nghị sĩ James Clyburn, trưởng Tiểu ban giải quyết khủng hoảng dịch COVID-19, nói hàng triệu liều vắc xin bị tiêu hủy tại cơ sở này đã bị "lãng phí" và cáo buộc công ty đã ưu tiên lợi nhuận trong việc sản xuất vắc xin.
Trong một phản ứng đáp lại, Công ty Emergent BioSolutions đã bác bỏ báo cáo của Quốc hội Mỹ, vì không cung cấp thông tin gì khác hơn những báo cáo công ty gửi cho cơ quan quản lý.
Đồng thời công ty cũng đưa ra phản ứng về số lượng vắc xin đã bị tiêu hủy: "Thật khó để ước tính có bao nhiêu liều thuốc trên thực tế đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, việc đánh đồng các hành động kiểm soát chất lượng với số lượng liều sản xuất cho thấy sự thiếu hiểu biết về quy trình sản xuất sinh học".
TTO - Theo ước tính, có tới 1 triệu liều vắc xin COVID-19 hết hạn sử dụng bị hủy bỏ ở Nigeria. Đây là một trong những vụ hủy bỏ vắc xin lớn nhất ở các quốc gia châu Phi. Lý do vì sao khi vắc xin vẫn còn thiếu nhiều ở khu vực này?