Giá nhà tăng nhanh
Hiện nay, giá bất động sản liên tục tăng cao. Ví dụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh, trong quý 1, báo cáo của từ các đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường đã khiến không ít người ngỡ ngàng, khi mức giá bán căn hộ chung cư trung bình toàn thị trường đã lên tới 75 triệu đồng/m2, tăng 27% theo năm.
Giá nhà đang tăng cao một cách đáng lo ngại. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Còn tại Hà Nội, so với mức giá cách đây 2 năm, nhiều khu vực đã hình thành mặt bằng giá mới. Giá nhà đất tại một số khu đô thị ở xa trung tâm đã đạt mức 150 - 300 triệu đồng/m2, chỉ trong một thời gian ngắn - một mức giá chỉ gặp ở trong khu vực nội thành.
Phát biểu tại một buổi tọa đàm, đại diện Bộ Xây dựng cũng nhận định rằng, giá nhà đang tăng cao một cách đáng lo ngại và nhiều người mua nhà cũng đang gặp khó trước mức tăng này.
Lo ngại khi giá nhà liên tục leo thang
"Rất đáng lo ngại. Chúng ta cần xem xét, đó là giá. Giá tăng rất cao, có nơi, có vị trí tăng tới 70 - 80%. Đặt biệt, giá đất nền có nơi tăng 100%. Giá đất nền có nơi lên đến 200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên có một thực tế, khi mua đất nền không xây dựng gì, chỉ để đấy, tức là mua đầu cơ, không dùng được. Nguồn cung giảm, giảm rõ rệt so với các năm trước", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, nhận định.
"Thực tế, những chung cư thương mại khu vực nội thành có giá không dưới 30 triệu đồng/m2. Điều này gây khó cho những làm công chức nhà nước, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy để tích lũy mua một căn nhà ở Hà Nội rất là khó nếu như không có nguồn vốn vay khác", anh Nguyễn Ngọc Hà, TP Hà Nội, cho hay.
"Hiện nay, mặt bằng giá ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang khá cao so với giá trị thật. Trước đây, có căn hộ chung cư chỉ khoảng 1 - 2 tỷ là các bạn có thể mua trả góp, nhưng hiện rất thiếu những căn nhà như vậy", anh Lưu Hoàng Anh, TP Hà Nội, cho biết.
Nguyên nhân giá nhà tăng cao
Tại sao giá nhà lại tăng nhanh như vậy? Theo đại diện Bộ Xây dựng, đó là do nhu cầu nhiều, trong khi nguồn cung lại quá eo hẹp. Như tại Hà Nội, trong quý 1 hoàn toàn không có dự án mới, toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án hiện tại. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà đất tăng mạnh. Gốc rễ của việc thiếu cung lại chính là do vướng mắc từ thủ tục, pháp lý khiến hàng trăm dự án đang gặp nhiều vấn đề.
Một nguyên khác ảnh hưởng đến từ thị trường vật liệu xây dựng. Đơn cử như giá sắt thép đã tăng đến 40% chỉ trong vài tháng. Hầu hết giá các vật liệu xây dựng bao gồm: xi măng, cát, đá, nhôm, kính... đều tăng giá.
Mối lo ngại thiếu nguồn cung nhà ở lại một lần nữa bùng dậy, khi các ngân hàng có chủ trương kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, lành mạnh hóa lĩnh vực tín dụng bất động sản là chủ trương hợp lý, nhưng nếu "khóa van" một cách cực đoan sẽ khiến doanh nghiệp không phát triển được dự án mới, dẫn tới nguồn cung đã ít sẽ càng ít hơn. Ngày 11/5, phóng viên Hoàng Nga đã có mặt tại Tọa đàm "Kiểm soát nguồn vốn bất động sản - Chính sách và tác động" được tổ chức tại Bộ Xây dựng, để ghi nhận các ý kiến liên quan.
Băn khoăn việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản
Kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản đang là câu chuyện nóng trên thị trường trong những tuần vừa qua. Bên lề các hội thảo gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ, thị trường bất động sản đã có phản ứng ngay lập tức trước các thông tin này. Tuy nhiên, điều nhiều người mua nhà mong chờ nhất là giá nhà sẽ hạ, lại chưa hề xảy ra.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, việc kiểm soát, siết chặt vốn vào bất động sản phải đúng người đúng việc, tránh đánh đồng người mua nhà ở thật với người đi đầu cơ kiếm lời.
"Đầu tiên là nó bị chững lại, chững lại vì nhà đầu tư phải nghe ngóng là nếu siết như thế thì tình hình bất động sản sẽ như thế nào. Những doanh nghiệp nào làm ăn thật, đầy đủ pháp lý tốt, thì phải mở cho người ta có thể tiếp cận vốn. Nếu chúng ta cứ đổ đồng, nguồn cung nó không phát triển thêm được", ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha, đánh giá.
"Những doanh nghiệp nào có dự án tốt thì vẫn được tiếp tục vay. Còn những doanh nghiệp nào có chất lượng bất động sản, dự án nào không tốt thì hạn chế cho vay. Đó là hình thức vừa đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người mua bất động sản", TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc cho vay cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp mà không gây tác động xấu tới thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm soát, siết chặt vốn vào bất động sản phải đúng người đúng việc, tránh đánh đồng người mua nhà ở thật với người đi đầu cơ kiếm lời. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Nếu thị trường vốn có vấn đề thì thị trường bất động sản sẽ có vấn đề nên không phải siết hay gì mà nên kiểm soát theo đúng nghĩa của nó. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, tôi đề nghị dòng vốn vẫn phải chảy vào bất động sản, nhưng nên ưu tiên, trong giai đoạn hiện nay, trong các dự án bất động sản đang triển khai để có nguồn cung ra thị trường, có khả năng làm ngay, chứ không phải là dự án chuẩn bị", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, nhấn mạnh.
Có thể thấy điều quan tâm lớn nhất của nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thật thời điểm này là làm cách nào để có thể chặn được đà tăng của giá nhà, hoặc là làm cách nào để các nguồn cung dự án mới sẽ có mức giá phù hợp hơn với thu nhập của người dân. Một số doanh nghiệp, chuyên gia đã có đề xuất về vấn đề này.
Đề xuất giải pháp để chặn đà tăng giá nhà đất
"Thứ nhất là phải cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Thứ hai là thủ tục hành chính đầu tư dự án phải nhanh hơn. Vì khi thủ tục đầu tư lâu, giá vốn đội lên nhiều, giá vốn đội lên nhiều thì giá nhà không thể giảm đi được", ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha, cho hay.
"Chúng ta phải tạo ra thị trường bất động sản cho thuê, do công ty Nhà nước xây và quản lý. Giá nhà do thị trường quyết định, nhưng chúng ta hình thành một giá nhà cho thuê, dưới sự chỉ đạo của Nhà nước", TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói.
Dự báo diễn biến 6 tháng cuối năm
Diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm vẫn đang là ẩn số. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, không ít nhà đầu cơ ôm đất tại một số khu vực đã tăng trưởng nóng thời gian qua sẽ gặp khó khăn trong việc thanh khoản, tức là khó trong việc tìm người mua mảnh đất mà họ đang găm giữ với giá cao.
Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp có thể huy động vốn thêm từ các nguồn vốn góp, cổ phần, hoặc vốn đầu tư nước ngoài FDI. Đây là những nguồn vốn dài hạn quan trọng để giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
VTV.vn - Hiện giá nhà ở, đất ở đang tăng cao so với thu nhập của người dân, theo Bộ Xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69923130021502202-ohk-pag-aum-iougn-gnaht-oel-cut-neil-ahn-aig/et-hnik/nv.vtv