Chủ fanpage đăng tải clip “cô gái chê xe số” đã xóa bài đăng sau khi bị phản ứng, đồng thời gửi lời xin lỗi, xác nhận toàn bộ nội dung trong đoạn clip đều là cắt ghép. Thế nhưng, sự việc chưa chắc đã khép lại nhẹ nhàng như thế. Vì sao?
Thời gian qua, rất nhiều người tham gia sản xuất nội dung trên nhiều nền tảng, mạng xã hội. Ngoài những nội dung mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, có nhiều sản phẩm gây thiệt hại về tinh thần, vật chất, thân thể, thậm chí tính mạng của các cá nhân, tổ chức.
Với những clip cắt ghép, nạn nhân có thể được phỏng vấn rồi ghép giọng của người khác với nội dung không như mình nói, hoặc được ghép bằng chính giọng của mình nhưng từ phần trả lời khác. Người thực hiện cũng có thể sưu tầm những đoạn trả lời phỏng vấn rồi ghép nội dung và phát tán theo ý mình. Thậm chí, nạn nhân bị gạ trả lời về những chủ đề nhạy cảm, tục tĩu. Do chủ quan nên nạn nhân không đề phòng sự việc bị đẩy xa và lan truyền trên mạng xã hội.
Việc phát tán những clip như vậy để câu view hoặc chỉ để gây chú ý, đùa cợt. Bất luận với mục đích gì, hậu quả của hành động này thật khôn lường. Đã có một số người, đặc biệt là các bạn trẻ lâm vào trạng thái trầm cảm, xa lánh, thu mình với xung quanh, phải mất thời gian dài điều trị hoặc vĩnh viễn không thể trở lại bình thường vì bị trêu ghẹo, xúc phạm, làm nhục trên mạng xã hội.
Không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức, những hành động này còn vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), người nào “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Thậm chí, người vi phạm có thể bị phạt tù 1-3 năm về tội vu khống trong trường hợp dùng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội…
Trước sự phát triển ngày càng lan rộng của mạng xã hội, mỗi người cần biết tự bảo vệ mình, tránh hiểm họa khó lường bằng cách: Từ chối những đề nghị phỏng vấn thiếu tin cậy; ngay khi phát hiện hành động cắt ghép nội dung, bịa đặt gây ảnh hưởng xấu đến bản thân thì cần phản ánh đến cơ quan chức năng, thậm chí tố giác đến công an để kịp thời được ngăn chặn và bảo vệ.
Không chỉ bảo vệ chính mình, sự cương quyết của mỗi người còn góp phần ngăn chặn những hành động sai trái như trên tiếp tục lan rộng và xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.