Ít ngủ, ngủ kém sẽ dễ làm tăng cân - Ảnh: GULF NEWS
Theo nghiên cứu, khi ngủ ít, cơ thể chỉ giảm được 0,6kg mỡ, trong khi ngủ nhiều hơn có thể giảm trung bình được 1,4kg mỡ.
Ngủ ít, chỉ số BMI tăng cao
Trong nghiên cứu, 195 người béo phì, tuổi từ 18 đến 65, theo một chế độ ăn rất ít calo (800 calo/ngày), và cho thấy ít nhiều hiệu quả khi chỉ trong 8 tuần đầu, họ đã giảm trung bình 12% trọng lượng cơ thể.
Các tình nguyện viên được theo dõi trong suốt một năm. Khi ngủ, họ đeo một thiết bị có thể đánh giá được chất lượng giấc ngủ thông qua chỉ số Pittsburgh (PSQI).
Kết quả cho thấy ở những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, chỉ số khối cơ thể (BMI) được phát hiện tăng hơn 1,3 điểm sau một năm so với những người ngủ trên 6 tiếng.
BMI là chỉ số thông dụng, được dùng để nhận định một người ốm hay mập, tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét).
Với những người có giấc ngủ kém, chỉ số BMI cũng tăng 1,2 điểm sau một năm so với những người ngủ ngon.
Nhóm các nhà khoa học cho rằng số liệu trong suốt một năm qua cho thấy có mối liên hệ giữa ngủ ít, ngủ không ngon đến cân nặng.
Giáo sư Signe Torekov - Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng kém trước đây vẫn thường được biết sẽ tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao...
“Giờ đây chúng tôi thấy chất lượng giấc ngủ liên quan mật thiết đến việc duy trì công cuộc giảm cân. Nhiều người đã thất bại trong chuyện kiểm soát cân nặng vì ngủ không đủ giấc”, giáo sư Signe Torekov nói.
Giảm cân bằng... giấc ngủ
Người ngủ ít hôm trước thường ăn nhiều hơn vào hôm sau - Ảnh: THE INDIAN EXPRESS
Trong một nghiên cứu trên tạp chí của Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia (Mỹ), các nhà khoa học đã theo dõi một nhóm người ngủ không liền mạch. Một đêm họ ngủ 12 tiếng nhưng đêm sau họ thức trắng.
Kết quả từ bữa ăn sáng cho thấy khi thiếu ngủ, khả năng đốt calo giảm đi khoảng 7% so với ngủ đủ. Ngoài ra, khả năng tiêu hao calo trong ngày của những người này bị giảm tới 20%.
Riêng những phụ nữ ngủ ít hơn 4 tiếng mỗi đêm sẽ ăn nhiều thêm 329 calo vào ngày hôm sau so với khi ngủ 8 giờ. Xu hướng này tương tự ở đàn ông, họ ăn nhiều hơn 263 calo vào những ngày ngủ kém.
Những lúc ngủ ít, cơ thể cũng chỉ giảm được 0,6kg mỡ, trong khi ngủ nhiều hơn có thể giảm trung bình được 1,4kg mỡ.
Nghiên cứu cho rằng ngủ quá ít sẽ ảnh hưởng đến lượng hormone kích thích cơn thèm ăn và làm tăng quá trình sản xuất chất béo. Do đó, nếu không ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm, chứng thèm ăn do thiếu ngủ có thể là thách thức lớn cho những người muốn giảm cân.
Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), hiện tại có hơn một phần ba số người trưởng thành ở Anh và Mỹ không thường xuyên ngủ đủ giấc, chủ yếu do áp lực cuộc sống.
Một phần tư thanh thiếu niên thừa cân được khảo sát cho thấy dường như họ không biết mình đang béo phì. Mặc dù hầu hết họ đều lo lắng về ảnh hưởng của cân nặng đối với sức khỏe trong tương lai, nhưng phần lớn đều không chú ý đến chuyện duy trì cân nặng hiện tại.
Giáo sư Torekov cho rằng ngày nay việc phổ biến các kiến thức về chứng béo phì rất quan trọng, để tránh nhiều căn bệnh không muốn sau này. “Bằng việc cải thiện giấc ngủ và tập luyện thể dục thường xuyên, công cuộc giảm cân của bạn sẽ đạt kết quả khả quan hơn”, giáo sư Torekov nói.
TTO - Ngày 3-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thừa cân và béo phì có liên quan đến cái chết của khoảng 1,2 triệu người ở châu Âu. Tổ chức này mô tả béo phì như một 'dịch bệnh' và kêu gọi các nước có chính sách ngăn chặn xu hướng.