Chiều 11/5, xăng dầu trải qua phiên tăng thứ ba liên tiếp với mức tăng mạnh. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán 28.959 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.988 đồng/lít, dầu diesel 26.650 đồng/lít, dầu hỏa 25.168 đồng/lít. Mức giá này sẽ được áp dụng ở danh sách các tỉnh thành phố thuộc vùng 1 (Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Tháp...).
Còn ở vùng 2, tức là các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở (Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La…), giá xăng dầu còn ở mức cao hơn.
Cụ thể, giá xăng RON 95 được bán ở các nơi thuộc danh mục vùng 2 sau kỳ điều chỉnh chiều nay là 30.570 đồng/lít; xăng E5 RON 92 là 29.520 đồng/lít, diesel là 27.180 đồng/lít, dầu hỏa là 25.660 đồng/lít, còn dầu mazut là 21.990 đồng/lít.
Từ đầu năm tới nay, trong tổng số 12 kỳ điều hành giá thì có đến 9 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm (Biểu đồ: Dân trí).
Với đợt điều chỉnh này, giá xăng tiếp tục xô đổ kỷ lục đã lập ra trước đó. Tại kỳ điều chỉnh hôm 11/3, mức tăng cũng rất mạnh, từ gần 3.000 đến gần 4.000 đồng/lít, tùy loại. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 ở vùng 1 có giá bán tối đa là 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít; dầu diesel 25.260 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít; dầu mazut 20.980 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng tăng mạnh phiên 11/5 có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, thị trường xăng dầu thế giới tuần qua có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao so với tuần trước.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5 và 4/5 là 136,9 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92, tăng 8,29% so với kỳ trước; còn xăng RON 95 là 141 USD/thùng, tăng 8,26%.
Còn dầu hỏa là 147,69 USD/thùng, tăng 8,3%; 150,1 USD/thùng dầu diesel, tăng 5,01%; 701,8 USD/tấn dầu mazut, tăng 0,24%.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước bắt đầu có xu hướng giảm. Theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON 95, xăng E5 RON 92 và dầu hỏa, đồng thời thực hiện chi quỹ đối với dầu hỏa và dầu mazut để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga của Ủy ban châu Âu tiếp tục đẩy giá dầu lên cao, ngoài ra việc Trung Quốc siết chặt chống dịch khiến giao thương khó khăn cũng tác động lên mặt hàng này.
Tuy nhiên, chỉ trong hai ngày gần đây, giá dầu đã giảm tới 10% do triển vọng nhu cầu thấp và đồng "bạc xanh" mạnh hơn. Giá dầu Brent trượt dốc còn hơn 102 USD/thùng. Điều này sẽ giúp xăng dầu kỳ điều chỉnh tới đây (21/5) có thể sẽ giảm giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.47575936021502202-yan-iot-court-ut-tahn-oac-cum-nel-cul-yk-gnat-gnax-aig-oas-iv/et-hnik/nv.vtv