Chia sẻ tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” sáng 12/5, Tổng Giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân dự báo triển vọng tăng trưởng GDP 2022 và 2023 sẽ được củng cố.
Theo phân tích của ông Thuân, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn được duy trì vững chắc nhờ chính trị - xã hội ổn định, dân số trẻ và đang tăng trưởng, tỉ lệ dân số sử dụng internet cao, thu nhập dân cư tăng đều đặn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng… Tất cả các yếu tố này tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa lớn và hấp dẫn.
Mặt khác, nền kinh tế có độ mở lớn, khi Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trên 12% trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trong khu vực…
“GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6-7% trong hai năm 2022 - 2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và nhà nước; triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ”, ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc FiinGroup cũng đánh giá, hầu hết các ngành vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid-19, ngoại trừ các ngành: tài chính (bao gồm ngân hàng và bảo hiểm); nông nghiệp; khai khoáng, do xuất khẩu nhiều mặt hàng hồi phục, trong đó có volfram, đồng...
Một số ngành có sự hồi phục tốt đạt gần tiệm cận với tốc độ trước dịch, như: vận tải, kho bãi, lâm nghiệp. Hầu hết các ngành còn lại chưa về mức độ tăng trưởng trước Covid-19 diễn ra. Dư địa cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế cao tiếp tục vẫn còn lớn, bởi các nhóm ngành đang hồi phục, nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra.
Riêng ngành bất động sản, doanh thu giảm trong quý I/2022, do tiến độ bàn giao dự án chậm, vì ảnh hưởng của giãn cách xã hội từ quý III/2021. Ngành hàng không tuy hồi phục, nhưng còn xa về mức “bình thường”.
Theo ông Thuân, một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa. Triển vọng tăng trưởng 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực.
Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm như: hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu. Khắc phục tình trạng này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.
“Ngành bất động sản đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn, do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn, đây là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi. Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm: xây dựng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành ngân hàng…”, ông Thuân nói.
CEO FiinGroup cảnh báo, ngành ngân hàng, tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch Covid-19, nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây.
Những thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế: bất động sản và ngân hàng, cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam. Bởi nước ta hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán/cổ phiếu.
Xem thêm:
IMF: Nhiều rủi ro với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Giá xăng dầu càng tăng cao càng khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn