Theo tờ Euronews, "Điện Kremlin bay", còn được gọi là "máy bay ngày tận thế" của Nga, đã xuất hiện trong nhiều cuộc diễn tập gần đây và lần đầu tiên sau hơn một thập niên được lên kế hoạch xuất hiện tại cuộc diễu binh kỷ niệm 77 năm ngày chiến thắng Đức Quốc xã ở Moscow hôm 9-5.
Tuy nhiên, theo các quan chức Nga, "Điện Kremlin bay" - chiếc chuyên cơ được thiết kế để bảo vệ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong mọi trường hợp đã không thể xuất hiện trên bầu trời Moscow do thời tiết xấu, dù đã tham gia diễn tập trước hôm diễn ra sự kiện.
Chiếc máy bay, được đánh giá là đỉnh cao của kỹ thuật quân sự thời Liên Xô, dự kiến sẽ trình diễn cùng với hai máy bay chiến đấu MiG-29, cũng như oanh tạc cơ Tu-96 "Bear" và Tu-160 "White Swan", cả hai đều là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Máy bay "Điện Kremlin bay" (giữa) cùng 2 tiêm kích MiG-29 bay qua Quảng trường Đỏ trong đợt diễn tập ngày 4-5 chuẩn bị cho buổi diễu binh kỷ niệm ngày chiến thắng 9-5. Ảnh: AFP |
Máy bay được thiết kế đặc biệt để bảo vệ lãnh đạo Nga bằng mọi giá trong trường hợp xấu nhất. Máy bay có kích thước lớn và không có cửa sổ - ngoại trừ khu vực buồng lái - nhằm cung cấp khả năng bảo vệ tối đa trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hoặc thậm chí là một cuộc tấn công hạt nhân.
Về cơ bản, chuyên cơ này là một đài chỉ huy trên không, được trang bị thiết bị liên lạc đặc biệt đặt trong một mái vòm trên thân máy bay nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công xung điện từ. Bên cạnh đó, máy bay cũng có thể được tiếp liệu khi đang bay, giúp phương tiện bay trên không trong thời gian dài.
Sự xuất hiện của chiếc “Điện Kremlin bay” thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế, coi đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine có chiều hướng gia tăng.
Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine leo thang, giới quan sát cho rằng ông Putin có thể sử dụng chiếc máy bay này như một thông điệp cảnh báo đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh của khối.
Trước đó, vào tháng 4, nhà lãnh đạo Nga lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev, đe dọa tung đòn đáp trả đối với bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine.
Theo Euronews, Nga không phải là quốc gia duy nhất sở hữu trung tâm chỉ huy trên không. Mỹ được cho là cũng có một phi đội 4 “chuyên cơ ngày tận thế”, gọi là E-4B Nightwatch.
Loại phương tiện này cung cấp khả năng tương tự như “Điện Kremlin bay” cho các nhà lãnh đạo Mỹ trong việc chỉ đạo lực lượng hoặc phản ứng hạt nhân chiến thuật khi bị tấn công từ trên không.