Sáng nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX), một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất công nghiệp và phát triển hạ tầng, họp Đại hội cổ đông theo hình thức trực tuyến. Các cổ đông dành sự quan tâm tới một loạt vấn đề, từ vay nợ, phát hành trái phiếu, kế hoạch kinh doanh, cho tới câu chuyện giá cổ phiếu, việc M&A các doanh nghiệp nhà nước.
Các cổ đông đặt nhiều câu hỏi cho ông Tuấn về hoạt động M&A các doanh nghiệp nhà nước gần đây. Dấu ấn lớn nhất cho hoạt động M&A doanh nghiệp nhà nước của Gelex ghi nhận trong năm 2021 là việc thâu tóm Tổng công ty Viglacera (VGC). Nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh sau thương vụ này, Gelex vượt kế hoạch cả năm với doanh thu thuần hơn 28.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng.
Trả lời, CEO Nguyễn Văn Tuấn khẳng định công ty này đã đấu giá, chào mua công khai, khớp lệnh thỏa thuận trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định.
Thông điệp này cũng là câu trả lời của CEO Gelex về việc phát hành trái phiếu. Năm 2021, Gelex đã phát hành hai đợt trái phiếu, huy động 1.800 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, họ phát hành trái phiếu cho định chế tài chính lớn nước ngoài, người mua trong nước cũng là các ngân hàng thương mại lớn như MSB, TPBank, "nên phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật".
Năm nay, Gelex đặt mục tiêu doanh thu thuần 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 27% so với thực hiện năm 2021.
Với bất động sản khu công nghiệp, Gelex cho biết sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các khu công nghiệp đang triển khai, chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha dự án mới và khảo sát, nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoảng 4.300 ha tổ hợp khu công nghiệp, đô thị.
Với mảng bất động sản thương mại, Gelex sẽ phát triển khu nhà ở xã hội, bất động sản thương mại giá rẻ cho người có thu nhập thấp, cũng như tiếp tục đầu tư các dự án bất động sản sẵn có. Mảng vật liệu xây dựng sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu, tái định vị và phát triển, đồng thời tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị không hiệu quả.
Thông qua đơn vị đầu mối là Gelex Hạ tầng, tập đoàn này cũng dự kiến phát triển chọn lọc và giải ngân đầu tư một số dự án điện gió, điện mặt trời, tìm kiếm các cơ hội M&A dự án năng lượng tái tạo. Riêng với mảng nước sạch, Gelex sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của giai đoạn 2 nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà, mục tiêu nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý IV/2024.
Năm nay, Gelex dự kiến niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết đối với cổ phần Gelex Electric - đầu mối mảng thiết bị điện của Gelex. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục M&A theo chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi.
Với câu hỏi của cổ đông về việc hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu liên tục giảm, ông Tuấn cho biết hiện Gelex có hơn 56.000 cổ đông, quy mô tương đối lớn. Hội đồng quản trị và ban điều hành đang cố gắng. Để trấn an cổ đông, ông Tuấn đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư dài hạn.
Gelex tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện thuộc Bộ Công Thương. Cuối năm 2015, Bộ Công Thương thoái toàn bộ 78,74% vốn của Gelex thông qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán, tạo nên phiên giao dịch lịch sử trên UPCoM. Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của Gelex sau thương vụ thoái vốn này.
Minh Sơn