Đi xuất khẩu lao động để cải thiện kinh tế
Từ đầu tháng 3 đến nay, các chuyến bay đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đã khôi phục trở lại. Đây được xem là điều hết sức tích cực là tin vui cho hàng trăm nghìn lao động sau hơn 2 năm dài chờ đợi.
Những người đã có hồ sơ đăng ký nhưng chưa đi đã được các công ty giải quyết dần. Đồng thời các công ty cũng bắt đầu tuyển mới ở tất cả các ngành nghề. Mỗi người đi xuất khẩu lao động có mục đích cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung đều là để cải thiện kinh tế gia đình.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc tiếp nhận lao động Việt Nam tại 3 thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã trở lại bình thường. Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đang từng bước mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, Đức…
Nhiều lao động đã được xuất cảnh.
Số người đi lao động nước ngoài hiên nay cũng đang ngày càng tăng với các độ tuổi và ngành nghề đa dạng. Ví dụ như ngành xây dựng tuyển lao động lên tới hơn 30 tuổi, nông nghiệp gần 40 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để người lao động có cơ hội làm việc trong thời gian dài.
Những nỗ lực duy trì các thị trường lao động ngay cả trong tình hình dịch bệnh đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của nhiều địa phương.
Anh Long Văn Dai xuất thân từ vùng sâu vùng xa nhất của huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn. Chàng trai dân tộc này dự định đi xuất khẩu lao động gần 1 năm để có tiền về xây nhà cho bố mẹ. Nền đất đã san, vật liệu đã chuẩn bị… mẹ con anh Dai dự định sau 8 tháng làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nhật có thể tích lũy được một khoản tiền để xây nhà khang trang hơn. Nếu dự vốn sẽ dành mua thêm gia súc, mở mang chuồng trại.
"Tôi định đi Nhật mong có thêm thu nhập về sửa lại nhà, thừa sẽ muốn lấy gia súc về chăn nuôi", anh Dai nói.
Bắc Kạn là tỉnh có địa hình đồi núi chia cắt, ruộng đất manh mún, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp cao nhưng thu nhập thấp. Những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động được tỉnh quan tâm triển khai. Nhờ đó, hàng nghìn lao động nông thôn có cơ hội dời bản, chuyển đổi nghề và thoát nghèo bền vững.
Đã có vợ và 3 con nhưng anh Triệu Văn Dẫn (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) chấp nhận xa gia đình đi làm việc ở nước ngoài khi tiền xây dựng căn nhà đang còn vay nợ. Với Dẫn, ngoài kiếm tiền trả nợ thì đi xuất khẩu lao động còn là cách cải thiện kinh tế gia đình.
Hàng nghìn lao động nông thôn tại Bắc Kạn đã có cơ hội dời bản, chuyển đổi nghề và thoát nghèo bền vững.
Với nhu cầu từ các đối tác nước ngoài ngày càng tăng, các công ty xuất khẩu lao động cũng thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn lao động phù hợp. Điều này cũng tạo ra cơ hội lớn cho lao động nông thôn, miền núi đang thiếu việc làm, giúp họ chuyển đổi cơ cấu việc làm và cải thiện kinh tế gia đình.
"Những việc ngắn hạn không đòi hỏi quá cao kỹ năng nghề nghiệp nên người lao động đáp ứng được ngay, từ đó họ sẽ có một nguồn vốn nhất định và kỹ năng lao động để làm các việc tiếp theo", ông Đồng Văn Lưu - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho hay.
Nhiều ngôi nhà khang trang đang mọc lên ở các vùng quê nghèo là kết quả của những ngày đi làm việc nước ngoài của người lao động. Nếu như trước kia xuất khẩu lao động chỉ dành cho người dân ở những vùng thuận lợi thì nay đã xuất hiện nhiều hơn tại các vùng miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ tài chính cho người lao động
Hiện nay, việc tạo nguồn tài chính cho người đi xuất khẩu lao động đã không còn là vấn đề lớn nữa. Tại những xã khó khăn, người lao động được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp. Thậm chí, nhiều công ty còn cho lao động của mình vay không tính lãi trong vòng 1 năm để đi lao động.
Các vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với thời hạn không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm và vay tối đa được 100 triệu đồng.
Còn với những đối tượng không vay được vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, một số công ty sẽ cho những người lao động này vay số tiền 3.600 USD (hơn 80 triệu đồng). Số tiền này người lao động và gia đình trả dần trong 12 tháng.
Số tiền cho vay trên công ty cũng có những tính toán riêng. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến những quyền lợi mà người lao động được hưởng.
Hiện người lao động có nhiều lựa chọn việc làm cả trong nước và nước ngoài nên việc tuyển người đi xuất khẩu lao động không dễ dàng. Việc hỗ trợ vay vốn cho người lao động sẽ tạo tính cạnh tranh cho những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Đi lao động tại nước ngoài để nâng cao trình độ
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng không chỉ để kiếm tiền, tăng thu nhập cho gia đình, mà còn để trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc, tính kỷ luật trong công việc tốt hơn để khi trở về tiếp tục đóng góp cho đất nước.
Những lao động đi xuất khẩu lao động có trình độ thì khó tuyển hơn nhưng lại làm việc tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của đối tác. Hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài không chỉ yêu cầu tốt nghiệp lớp 12 như trước đây mà còn yêu cầu lao động đã qua đào tạo tại trường nghề. Những lao động này được giảm phí xuất cảnh một nửa so với lao động không có tay nghề.
Lao động có tay nghề khi trở về sẽ mang các kiến thức đã học được để sử dụng trong các nhà máy tại Việt Nam.
Các công ty tuyển dụng đang tuyển lao động ở tất cả các ngành nghề để cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Với các lao động đã có tay nghề, thời gian làm việc thường kéo dài 5 năm thay vì 3 năm như lao động phổ thông, mức lượng cũng cao hơn.
VTV.vn - Đây là một trong những nội dung của Nghị định số 112/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42652259121502202-cas-iohk-gnod-oal-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv