Ngày 12/5, tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, đơn vị này đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Cao Thị Cúc (62 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) để điều tra hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Bị can Cao Thị Cúc là chủ căn nhà số nhà 191A, ấp Lập Thành, huyện Đức Hòa, nơi mà Lê Tùng Vân - cũng ngụ tại căn nhà này và xưng là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi tên thành Thiền am bên bờ Vũ trụ.
Bà Cúc là người thứ 5 tại đây bị khởi tố cùng tội danh trên.
Trước đó, ngày 5/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa đã khởi tố, cho tại ngoại đối với bị can Lê Tùng Vân (90 tuổi); khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng 3 bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi).
Đến tháng 2/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, Viện KSND tỉnh Long An quyết định rút hồ sơ của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Đức Hòa vụ Tịnh thất Bồng Lai theo thẩm quyền.
Lý do rút hồ sơ là quá trình điều tra đang ở giai đoạn tập trung cho các tội danh khác đối với một số người trong nhóm Tịnh thất Bồng Lai nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An rút hồ sơ từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa để tập trung cho một đầu mối.
Đến tháng 4/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An có thông báo gửi cho bị can Lê Tùng Vân thông báo về việc gia hạn tạm giam đối với 3 bị can Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Tùng Dương và Lê Thanh Hoàn Nguyên đến ngày 3/6/2022.
Bước đầu cơ quan chức năng tỉnh Long An có xác minh sơ bộ hộ của gia đình bà Cao Thị Cúc là cơ sở biến gia thành tự. Bà Cúc đứng tên chủ hộ gia đình nhưng việc điều hành tất cả mọi hoạt động ở đây là ông Lê Tùng Vân, người tự xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức hay “thầy ông nội”.
Chính quyền khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai không phải là tu viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ Phật giáo.
Phần lớn người sinh sống ở đây xuống tóc, cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, tự xưng là thầy, sư cô, hòa thượng, chú tiểu… Họ tổ chức sinh hoạt như một tu viện Phật giáo; làm nhiều clip đăng tải trên mạng tự nhận là chùa, tịnh thất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những đứa trẻ được giới thiệu là trẻ mồ côi trên mạng xã hội hay một số show truyền hình, thực tế có mẹ ruột theo giấy tờ hợp pháp. Họ sinh sống như đại gia đình.
Cơ quan chức năng Long An đủ cơ sở xác định, những người sinh sống trong gia đình bà Cúc phần lớn có quan hệ huyết thống; chứ không phải mồ côi, không nơi nương tựa. Và họ lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa trẻ mồ côi để trục lợi từ thiện.
Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đang mở rộng điều tra, làm rõ các sai phạm xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.
Tuệ Minh (tổng hợp theo Truyền hình Thông tấn, VietNamNet, Công lý, Pháp luật Tp.HCM)